Niềm vui ở thủ phủ trái cây Đồng Nai

Mạnh Thìn 24/06/2023 07:15

Tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất cây ăn trái liên tục gia tăng giá trị trong nhiều năm liên tiếp.

Sầu riêng của Đồng Nai xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Mới đây, 360 tấn sầu riêng chính ngạch đầu tiên của tỉnh Đồng Nai đã đến thị trường Trung Quốc. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, dự kiến trong năm 2023, tỉnh sẽ xuất khẩu khoảng 20.000 tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng với tổng diện tích 820 ha.

Ông Trịnh Văn Thân, nông dân trồng sầu riêng ở TP Long Khánh cho biết, rất vui mừng khi hay tin sầu riêng Đồng Nai xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thành công, việc xuất khẩu sầu riêng số lượng lớn giảm bớt nỗi lo về thị trường khi mà loại trái cây này đang được người dân trồng nhiều.

Tại tọa đàm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, tăng sức cạnh tranh sầu riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, do tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Công ty Quốc tế mậu dịch Vạn Thành Hỷ (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đã vào được các siêu thị và chợ đầu mối của Trung Quốc và có vị thế. Phía DN nhập khẩu cam kết mở rộng thị trường tiêu thụ sầu riêng và các loại trái cây tươi an toàn tại Trung Quốc.

Hiện tại, với gần 75.000 ha cây ăn trái, Đồng Nai không chỉ nằm trong tốp đầu cả nước về diện tích trồng mà địa phương này còn có nhiều loại trái cây đặc trưng được thị trường ưa uộng như: sầu riêng, bưởi, chôm chôm, chuối, xoài… Riêng bưởi và chôm chôm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và một số loại cây ăn trái thế mạnh cũng đã xây dựng được vùng sản xuất sạch.

Nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Nai đã được đầu tư bài bản. Đến nay, địa phương này có 140 vùng trồng đã được cấp mã số và 82 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng, gồm: 11 vùng trồng sầu riêng, diện tích 820ha, 18 vùng trồng xoài với diện tích hơn 9.000ha; có 22 vùng trồng chôm chôm, diện tích hơn 6.900ha; 30 vùng trồng chuối, diện tích 5.600ha; 13 vùng trồng mít với diện tích 2.200ha và 9 vùng trồng thanh long, diện tích 728ha.

Đây là những con số vô cùng ấn tượng để Đồng Nai hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại nông sản hàng đầu của Việt Nam; hình thành được một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, không chỉ xuất khẩu, địa phương này cũng có thị trường ổn định trong nước với nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao chủ yếu cho TPHCM, khu vực Đông Nam bộ, một số tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

“Xuất phát từ mục tiêu trên, trong những năm qua, Đồng Nai đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt là tập trung xây dựng, phát triển và quản lý tốt các vùng trồng nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu; thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản. Cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp đến nông dân ngày càng chú trọng việc xây dựng thương hiệu trái cây Đồng Nai trên thị trường xuất khẩu” - ông Phi nói.

Phát triển và quản lý tốt các vùng trồng là chiến lược lâu dài được tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo thực hiện, xem đây là bước đi đột phá trong xây dựng thương hiệu trái cây của địa phương. Việc này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối.

Để xuất khẩu, sầu riêng tươi của Việt Nam tuân thủ đầy đủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm vui ở thủ phủ trái cây Đồng Nai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO