Khi lúa mất mùa do thiên tai, chuột bọ... người dân vùng rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) chuyển hướng sang trồng lạc. Và rồi, trên độ cao nghìn mét, một vựa lạc của đồng bào Khơ Mú được hình thành, biến vùng đất khó thành nơi cho thu nhập gấp đôi trồng lúa.
Những ngày này, trên những khoảnh đất xanh giữa các quả đồi, người dân bản Pà Ca, xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn đang tất bật thu hoạch lạc để bán cho thương lái. Đây là vụ lạc được mùa, được giá của đồng bào Khơ Mú, khiến bà con rất phấn khởi, cả bản vui như trẩy hội. Bản Pà Ca nằm sát đường vành đai biên giới Việt - Lào, trước đây được biết đến là bản làng nghèo và khó khăn nhất của xã Nậm Cắn. Thế nhưng, giờ đây cuộc sống của người dân đang ngày càng đổi mới. Những vùng đất khô cằn sau nhiều năm trồng lúa rẫy kém hiệu quả, nay đã được người dân thay bằng cây lạc.
Đang nhổ những khóm lạc trĩu củ trên tay, anh Nhang Phò Trang, trú bản Pà Ca, xã Nậm Cắn phấn khởi cho biết, chỗ đất gần 0,7ha này trước đây được gia đình anh trồng lúa, nhưng hơn 2 năm trước đã chuyển sang trồng lạc. So với trồng lúa, việc chuyển đổi sang trồng cây lạc cho hiệu quả cao hơn.
“Năm 2022, vợ chồng tôi trồng 60kg lạc giống, sau một thời gian chăm bón, cuối vụ thu hoạch bán cho thương lái nhận về 21 triệu đồng. Năm nay, nhà tôi trồng 80kg lạc giống, hiện cây lạc phát triển xanh tốt, ước tính thu về 25 triệu đồng. Trước đây, cũng khoảng đất rẫy này, trồng lúa chỉ có 10 triệu đồng/vụ” - anh Trang kể.
Bà Ven Thị May (59 tuổi) trú bản Pà Ca nhận định: Các đỉnh núi và sườn núi ở Nậm Cắn khá dốc, đất sét pha cát rất thích hợp với cây lạc. Lạc được trồng từ tháng 8, khoảng 3 tháng sau thì cho thu hoạch. Bà May hồ hởi: “Lạc của bà con người Khơ Mú trồng trên các đỉnh núi đảm bảo sạch, bởi từ khi trồng đến thu hoạch người dân không sử dụng bất kỳ loại phân bón, thuốc trừ sâu nào. Không những vậy, lạc ở vùng đất này rất chắc, ngọt nên thương lái rất thích, có bao nhiêu, họ mua hết”.
Những ngày này, tranh thủ nắng ráo, người dân bản Pà Ca giúp nhau nhổ lạc rồi phơi ngay trên núi. Khi cây lạc đã khô, họ cùng nhau tách quả khỏi gốc cây để thuận tiện đưa về nhà. Lạc sau khi thu hoạch được thương lái về tận nơi thu mua với giá 15.000 đồng/kg lạc tươi và 22.000 - 25.000 đồng/kg lạc khô. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của phần lớn bà con dân tộc Khơ Mú ở xã Nậm Cắn.
Ông Ven Văn Khăm - Trưởng bản Pà Ca cho biết: Bản Pa Ca nói riêng và xã Nậm Cắn nói chung, trước đây đi lại rất khó khăn, nông sản làm ra cũng khó tiêu thụ, giờ có đường mới đi lại thuận lợi hơn, lạc trồng ra bán được nhiều tiền hơn làm rẫy lúa. Nhà trồng ít cũng được 30 triệu đồng, nhà trồng nhiều thì đến 50 triệu đồng, còn trồng lúa hiệu quả chỉ bằng một nửa so với trồng lạc.
Ông Lầu Bá Chày - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: Lạc được trồng ở nhiều bản trong xã, song tập trung chủ yếu ở bản Pà Ca. Từ năm 2020, một số người dân mua giống lạc về trồng thử nghiệm. Sau đó, lạc phát triển nhanh, xanh tốt, cho thu nhập cao nên diện tích ngày càng được mở rộng. Đến nay, toàn xã Nậm Cắn có khoảng 70ha lạc, được trồng tập trung ở 3 bản.
“Cùng một diện tích, khi trồng lạc cho thu nhập cao gấp đôi so với trồng lúa. Hiện xã đang tìm thêm một số giống lạc mới phù hợp với đất đai, khí hậu. Đặc biệt là tìm được đầu ra ổn định để giúp người dân mở rộng diện tích trồng lạc, xóa đói giảm nghèo” - ông Chày nói.