“Hiện vẫn chỉ có khoảng 23,9% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc và 20% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp. Đối với BHYT, dù đối tượng tham gia hàng năm đều vượt kế hoạch được giao, nhưng việc phát triển và mở rộng đối với 20% dân số còn lại là hết sức khó khăn- do phần lớn trong số này là những đối tượng không được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng”. Đây là những điểm nóng vừa được ngành BHXH đưa ra.
Vẫn còn nhiều khoảng “tối”
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, công tác thu và phát triển đối tượng được toàn ngành tập trung thực hiện khá hiệu quả. Tính đến hết tháng 9-2016, số thu đạt 76,1% kế hoạch; số đối tượng tham gia BHYT vượt 0,6% kế hoạch điều chỉnh giao năm 2016. Ngoài ra, toàn ngành cũng đã phối hợp đề xuất, giải quyết nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật BHXH 2014; tập trung nghiên cứu, triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, tạo thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT…
Cùng với đó, cơ quan BHXH Việt Nam cũng đã chủ trì và tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại 11 tỉnh, thành phố; thực hiện kiểm toán tại 11 BHXH tỉnh, thành phố. BHXH các địa phương tiến hành kiểm tra tại 9.535 đơn vị. Qua kiểm tra đã đề nghị thu hồi gần 78 tỉ đồng, đã thu hồi 24,8 tỉ đồng và kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 85 đơn vị, cá nhân (hiện đã có 40 đơn vị, cá nhân bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt)…
Mặc dù vậy, báo cáo của BHXH Việt Nam cũng chỉ ra nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách. Đến nay, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn do các giải pháp chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực nông thôn (khu vực này đang chiếm khoảng 70% lực lượng lao động). Đến nay, mới có khoảng 23,9% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc và 20% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp.
Riêng đối tượng tham gia BHYT hàng năm đều vượt kế hoạch được giao, nhưng việc phát triển và mở rộng đối với 20% dân số còn lại là hết sức khó khăn- do phần lớn trong số này là những đối tượng không được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT xảy ra ở tất cả các địa phương; số nợ tiếp tục gia tăng, trong đó có trên 2.000 tỉ đồng nợ BHXH, BHYT là nợ khó thu hoặc không có khả năng thu hồi khi DN phá sản, giải thể, bị rút giấy phép kinh doanh, không giao dịch với cơ quan BHXH hoặc chủ DN bỏ trốn.
Đáng lo ngại vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh lạm dụng các quy định mới về thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT để tìm mọi cách tăng số lượt người đến khám hoặc cung cấp quá mức dịch vụ y tế nhằm tăng chi phí KCB...
Kiên quyết từ chối thanh toán KCB không đúng
Đánh giá hoạt động 9 tháng đầu năm, người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn không ít những tồn tại. Trong đó, nguyên nhân ngoài yếu tố khách quan, còn do các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa nghiêm; việc phối hợp triển khai thực hiện chính sách của một số cơ quan liên quan chưa quyết liệt, đồng bộ...
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, ngành BHXH đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh, các đơn vị trong toàn ngành cần quyết tâm cao; tập trung phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan chủ động triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ, Luật Dược; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính... Đồng thời chú trọng tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH. Kiên quyết từ chối thanh toán đối với các cơ sở y tế đã liên thông dữ liệu nhưng chưa đầy đủ và không kịp thời cập nhật dữ liệu.