Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản vẫn giữ được tăng trưởng, giúp xuất siêu tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 39,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng trong tháng 7, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 6. Trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,4 tỷ USD (giảm 1,0%), lâm sản chính khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 9,8%), thủy sản đạt 780 triệu USD (tăng 8,4%).
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch XK nhóm nông sản chính ước đạt 10,4 tỷ USD, giảm 4,0%; thủy sản ước đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, tăng 6,7%.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK đạt gần 5,4 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 24,1% thị phần. Tiếp theo là Hoa Kỳ ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ và chiếm 23,1% thị phần; XK sang các nước ASEAN đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 6,2% và chiếm 10,27% thị phần; thị trường EU ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 2,7% và chiếm 9,9% thị phần; XK sang Nhật Bản đạt gần 1,9 tỷ USD, giảm 0,1%, chiếm gần 8,6% thị phần...
Với kết quả trên, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nhận định: Nếu tình hình diễn biến thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì ngành nông nghiệp vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm. Ngược lại, nếu xảy ra tình trạng dịch Covid-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng, các thị trường đóng cửa thì rất khó đoán định.
Để đạt được tăng trưởng toàn ngành cũng như mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay, ông Hà Công Tuấn cho rằng, giải pháp cụ thể đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, theo 3 trục sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Mặt khác, Bộ NNPTNT xác định đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu. Mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực. Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng. Cần hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Ông Hà Công Tuấn lưu ý, một giải pháp không kém phần quan trọng là việc triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các FTA đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường. Cùng với đó, chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là khi EVFTA vừa có hiệu lực.