Nỗ lực chặng đua nước rút cuối năm

P.V 03/10/2023 06:26

Dự báo tăng trưởng GDP quý IV/2023, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ tích cực hơn 3 quý đầu năm. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm là điều rất khó khăn.

Xuất khẩu hy vọng bứt phá trong quý IV/2023.

Tại thời điểm này, nhiều định chế tài chính quốc tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam. Báo cáo tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8%; giảm 0,7 điểm phần trăm so với báo cáo tháng 4.

Còn theo báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 4,9% và giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 và giảm 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6. Con số này tương tự dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF).

Theo TS Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, việc đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 theo mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là rất khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa lạm phát vừa có dấu hiệu suy thoái. Nhiều định chế tài chính quốc tế dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 sẽ dừng ở con số 2,1%.

Theo ông Thành, nếu tăng trưởng GDP quý III và IV tăng lần lượt 6,5% và 7,5% khi xuất khẩu bớt giảm sâu và mặt bằng lãi suất giảm thấp, GDP năm 2023 dự báo sẽ tăng 5,5%.

Cụ thể hơn, với kế hoạch đầu tư công được Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là 707 nghìn tỷ đồng (30,1 tỷ USD), theo ông Thành, nếu giải ngân được 95% kế hoạch (tăng 24,6% so với năm 2022) sẽ cộng thêm vào tốc độ tăng trưởng khoảng 1,2-1,3 điểm phần trăm.

“Tỷ lệ này đòi hỏi mức độ chi cho đầu tư rất lớn trong nửa cuối năm 2023. Trên nền tảng đó, tốc độ tăng GDP 5,5% hoặc 5,8%” - ông Thành nhận định và cho rằng để đạt được con số này đòi hỏi tiêu dùng nội địa tăng 7%, xuất khẩu tăng 8,5% (nhập khẩu có thể tăng cao hơn) và đặc biệt là tổng đầu tư tăng 9%. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế sản xuất kinh doanh, nông nghiệp cần tăng 3%, công nghiệp 7-7,2% và dịch vụ 6,8-7%.

Ở góc nhìn khác, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tăng trưởng GDP quý III/2023 là "vượt khỏi những mong đợi trước đây". Bên cạnh đó, 9 tháng giải ngân được 51,38%, đối với đầu tư công 9 tháng chưa năm nào vượt qua mốc 50%. “Số tiền tuyệt đối mà chúng ta giải ngân cao hơn năm ngoái là hơn 110 nghìn tỷ đồng, đây là con số rất lớn” - ông Phương cho biết.

“Điểm nhấn là nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng tháng sau tốt hơn tháng trước, đóng góp vào tổng thể quý sau tốt hơn quý trước. Mặc dù số không phải quá nhiều, đột phá nhưng như vậy đã là rất tốt so với bối cảnh kinh tế thế giới đang rất khó khăn” - ông Phương nói.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.

-Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).

-Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.

-Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực chặng đua nước rút cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO