Kinh tế

Nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế

H.Hương 12/08/2024 08:59

Nhu cầu tín dụng liên quan tới mức độ tự tin của các doanh nghiệp (DN) khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai và số lượng đơn đặt hàng thực tế mà DN nhận được.

tren(1).jpg
Ngân hàng nỗ lực đưa vốn ra nền kinh tế.

Sức hấp thụ vốn còn chậm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. So với dư nợ tín dụng đến cuối năm 2023 ở mức 13,569 triệu tỷ đồng, số tiền đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong nửa đầu năm nay là hơn 810.000 tỷ đồng.

Chỉ riêng tháng 6, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 487.000 tỷ đồng, cao hơn so với tổng mức tín dụng tăng được trong 5 tháng đầu năm. Đặc biệt, riêng hai tuần cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng thêm gần 300.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang tháng 7, tín dụng có phần chậm hơn. Cụ thể, số liệu được lãnh đạo NHNN công mới đây, cho biết tính đến hết tháng 7/2024, tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 5,66% so với cuối năm ngoái, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6%. Như vậy, ước tính từ đầu năm đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng đã tăng thêm 768.000 tỷ đồng nhưng đã giảm khoảng 46.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6.

Điều này có thể thấy, tín dụng đang tăng không đồng đều và nguyên nhân được chỉ ra, là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm. Quan trọng hơn nhu cầu tín dụng liên quan mức độ tự tin của các DN khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai và số lượng đơn đặt hàng thực tế mà DN nhận được, cùng nhiều yếu tố khác.

Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa cho biết, khi khảo sát, DN thường trả lời "khát" vốn, khó tiếp cận vốn trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận DN. "Lý do nhiều DN nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số có khó khăn về tài sản bảo đảm, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém. Để hỗ trợ DN, đề nghị các ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp" - ông Tuệ đề xuất.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, nhờ vậy, kết quả tăng trưởng tín dụng 6 tháng khá khả quan. Tại VietinBank, ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính tới 22/6 là 7%. Tại HDBank, tăng trưởng tín dụng đến 30/6 đạt 13,3%. Tại ACB, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 6 là 12,4%...

Đáng mừng là tín dụng 6 tháng đầu năm tiếp tục chảy vào các lĩnh vực ưu tiên. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên đều tăng trưởng tốt. Trong đó, tín dụng lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...

Hiện các ngân hàng đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm. Bà Phùng Thị Bình - Phó tổng Giám đốc Agribank cho hay, hiện nay, nền kinh tế đã có nhiều tín hiệu tốt, tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khách hàng gặp khó khăn. Tính đến hết 30/6/2024, tăng trưởng tín dụng của Agribank đạt hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó 50% là cho vay lĩnh vực tam nông.

"Trong thời gian 6 tháng cuối năm, mục tiêu của Agribank là tăng trưởng tín dụng tối thiểu 10%. Đặc thù của Agribank là tính chất mùa vụ nên dư nợ tập trung vào 6 tháng cuối năm. Hiện nay, ngoài triển khai những chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và NHNN như gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, gói cho vay lâm sản, thủy sản 30.000 tỷ đồng, Agribank đang triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi đối với tất cả các thành phần từ các tập đoàn, tổng công ty, khách hàng lớn", bà Bình cho biết.

Năm 2024 NHNN đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%. Thời gian còn lại của năm các tháng còn lại của năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời vẫn phải kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngành ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống, tập trung vào động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng xu hướng mới như tín dụng xanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế