Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã đi qua những ngày khó khăn nhất của dịch Covid-19, phía trước là thời cơ chờ đợi, khó khăn thử thách.
Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất ngay trong lúc dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh: Quang Vinh.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra sáng 9/5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng với nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng, Việt Nam không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với “khó khăn kép” như thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và bị giảm mạnh đầu ra; phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.
Từ đó Bộ trưởng cho rằng thực tiễn đặt ra câu hỏi lớn: Cần phải làm gì, hành động gì để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ? “Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và thường tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho rằng ngay lúc này cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp thời cơ, phục hồi và phát triển bứt phá.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho hay, cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng DN, thì có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.
“Một lần nữa sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các DN Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Và một điều rất đáng trân trọng nữa là với nhiều DN, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nhân vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao, cho thấy tình cảm và trách nhiệm xã hội của các DN, doanh nhân - những cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế - những người dám đánh đổi sự bình yên của cá nhân và gia đình mình để làm giàu đất nước và lo sinh kế cho dân”- ông Lộc nói.
Tuy nhiên, dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vị Chủ tịch VCCI cũng cho biết: Tình hình DN đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Điều mong muốn của cộng đồng DN là: Đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay... Nhưng điều quan trọng nhất, DN kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.