Kinh tế 10 tháng đầu năm tăng trưởng hầu hết ở các lĩnh vực. Vậy nhưng từ nay đến cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% đến 7% đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, bình quân tăng trưởng những năm còn lại phải đạt khoảng 7,4%-7,5%. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng 2022 của Tổng cục Thống kê nêu rõ, tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tiếp tục xu hướng phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất (IIP) tháng 10/2022 ước tăng 6,3% so với cùng kỳ 2021, trong đó chỉ số IIP của ngành chế biến chế tạo tăng 5,7%. Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9%; trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.
Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 20,2% so với cùng kỳ 2021.
Riêng hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 58,27 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, bước sang năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên, so với mục tiêu vẫn còn nhiều thách thức. Từ nay đến cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% đến 7% đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, bình quân tăng trưởng những năm còn lại phải đạt khoảng 7,4%-7,5%. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài.
Vậy giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng trong 2 tháng còn lại của năm khi khó khăn bủa vây? Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương khuyến nghị, trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần khai thác tối đa nội lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của đất nước trên tầm cao mới.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh FED liên tục tăng lãi suất, khoảng 90 ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất và phá giá đồng nội tệ. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, vì vậy chúng ta phải đối mặt với thực tế này và chấp nhận tác động của kinh tế thế giới để chủ động có các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực thi chính sách tiền tệ và tài khoá của Việt Nam cần đảm bảo các mục tiêu giữ ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính tiền tệ, đảm bảo tính thanh khoản, giảm thiểu dòng vốn gián tiếp chảy ra khỏi nền kinh tế; giảm thiểu áp lực nhập khẩu lạm phát và lạm phát chi phí đẩy; đồng thời giữ ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính tiền tệ thế giới và trong nước. Đặc biệt, điều hành lãi suất và tỷ giá đảm bảo vốn tín dụng, tính thanh khoản, hạn chế dòng vốn gián tiếp chảy ra ngoài.
Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách tỷ giá phù hợp, ưu đãi cho một số ngành, lĩnh vực tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp đảm bảo sản xuất với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần chủ động dự báo thị trường và biến động giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới, đa dạng nguồn cung, không phụ thuộc vào một thị trường, cung ứng đủ nguyên nhiên vật liệu duy trì sản xuất ổn định. Đồng thời có giải pháp cắt giảm chi phí vận chuyển, logistics, đưa tỷ lệ chi phí này ngang bằng tỷ lệ của khu vực và thế giới.