Nỗ lực giải 'cơn khát' điện

H.Hương 03/07/2023 07:00

Hiện tình hình cấp điện tại miền Bắc đã bớt căng thẳng. Song đợt nắng nóng gay gắt đã và đang diễn ra khiến nhiều người lo lắng tái diễn tình trạng cắt điện luân phiên.

Nước tại hồ thủy điện Hòa Bình đã lên vượt xa mực nước chết.

Đóng điện nhiều đường dây mới

Sáng 2/7, đường dây 220kV Bắc Giang - Lạng Sơn và Lắp máy 2 TBA 220kV Lạng Sơn đã được đóng điện; giúp tăng cường khả năng cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và khu vực lân cận, đặc biệt trong mùa nắng nóng năm nay. Đồng thời giúp giảm tải và tránh quá tải cho máy biến áp AT1 220/110kV-125MVA hiện hữu và các đường dây 110kV trong khu vực. Đảm bảo cho lưới điện 220kV, 110kV khu vực vận hành an toàn và tin cậy trong chế độ bình thường và sự cố N-1, từ đó nâng cao khả năng cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh Lạng Sơn.

Ông Đặng Huy Cường (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho biết, EVN đang triển khai 14 dự án nguồn điện, trong đó có các dự án nguồn điện trọng điểm như: Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Thủy điện tích năng Bác Ái, Dung Quất 1, Dung Quất 3… Ngoài ra, EVN và các đơn vị thành viên cũng đề xuất thực hiện các dự án nguồn điện giai đoạn 2030 như mở rộng các thủy điện hiện hữu do EVN và các đơn vị thành viên quản lý, các dự án điện gió, thủy điện tích năng, điện mặt trời nổi trên các hồ thủy điện…

Về lưới điện, theo Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, cần hoàn thành 950 công trình lưới điện 500kV-220kV, trong đó, EVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành đóng điện được 116 công trình trong các năm 2021-2022 và đầu năm 2023. Hiện EVN và các đơn vị thành viên đang được giao đầu tư 449 dự án lưới điện.

Tìm cách bổ sung nguồn điện

Từ tuần này, miền Bắc bắt đầu bước vào đợt nắng nóng mới kéo dài. Dù mực nước về các hồ thủy điện phía Bắc tiếp tục tăng nhẹ nhưng một số thủy điện phía Bắc vẫn phát điện cầm chừng.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ tăng nhẹ; Khu vực duyên hải Nam Trung bộ giảm nhẹ, mực nước các hồ nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành.

Tuy nhiên, một số hồ thủy điện lớn khu vực Bắc bộ vẫn phải dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo, do lưu lượng nước về một số hồ khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ thấp, chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện. Các hồ thủy điện hiện có mực nước thấp là: Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Thác Mơ. Một số thủy điện phát điện hạn chế, cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp: Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3.

Riêng về năng lượng tái tạo, theo EVN, đến nay đã có 13 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 640,52MW đã hoàn thành thủ tục COD (vận hành thương mại), được phát điện thương mại lên lưới.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 26/6 đạt khoảng 68,6 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

Ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, việc cung ứng điện phụ thuộc rất nhiều vào cân đối nhu cầu và khả năng đáp ứng, trong khi khả năng đáp ứng là hữu hạn. Bởi nguồn nước, nhiên liệu, khí, dầu, than bị ràng buộc nhiều yếu tố trong khi mình không chủ động được và phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Nguồn nước ở các nhà máy thủy điện quá thấp không đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong khi đó nhu cầu tiêu thụ điện lại gia tăng. Tình trạng nắng nóng càng thúc đẩy nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát, tiêu tốn nhiều năng lượng... Vì vậy, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như năm nay, EVN không có khả năng cân đối cung - cầu. Khi cung không đáp ứng được cầu, giải pháp duy nhất là lập lại cân bằng cung cầu của hệ thống, do đó phải cắt bớt nhu cầu. Vì vậy, ngành điện phải cắt điện luân phiên và cắt điện theo thời điểm...

Theo ông Long để ứng phó với cơn khát điện trong khi các nguồn điện mới chưa được bổ sung, các doanh nghiệp nên xoay chuyển theo hướng bổ sung nguồn năng lượng từ năng lượng tái tạo như mặt trời, gió. Trong đó, năng lượng điện mặt trời hiện rất được quan tâm bởi yếu tố thuận lợi, dễ triển khai lắp đặt ngay trên mái nhà, đất trống trong các khu công nghiệp. Hơn nữa, điện mặt trời mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nên được đánh giá là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện, nhất là trong những nhà xưởng sử dụng nhiều điện như lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Khắc Văn - Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương Hà Nội), doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng. Việc đầu tư cho năng lượng tái tạo còn là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, lợi về nguồn thu cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và thiết bị, lợi về chi phí cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng. Về lâu dài, ông Văn nhấn mạnh việc doanh nghiệp sản xuất sẽ được cung cấp các chứng chỉ về phát triển bền vững khi sử dụng năng lượng xanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi cung ứng sản phẩm ra thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực giải 'cơn khát' điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO