Từ tháng 8 đến nay, cứ mỗi tối chủ nhật hằng tuần, các nghệ sĩ chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam lại thực hiện chương trình minishow “Giữ lửa đam mê” được livestream để biểu diễn phục vụ khán giả. Trong bối cảnh dịch bệnh “ai ở đâu ở yên đó”, các chương trình này là một hoạt động ý nghĩa và đáng khích lệ...
Đến nay, minishow “Giữ lửa đam mê” của Nhà hát Chèo Việt Nam đã hoàn thành số thứ 5 với phần biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ tài năng, đang công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam là các nghệ sĩ Thái Sơn, Hà Thanh Thảo, Hà Việt Cường, Vũ Ngoan, Xuân Chường… Vào 20h tối nay (10/10), nghệ sĩ Tiến Quang là nhân vật chính của minishow “Giữ lửa đam mê”.
Trong khuôn khổ chương trình chỉ có 1 tiếng đồng hồ, các nghệ sĩ vừa giao lưu, vừa làm MC và vừa biểu diễn, giao lưu, tương tác với khán giả qua phần hỏi đáp chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề..., như minshow các nghệ sĩ tự giới thiệu về mình, có tính chất “người thật, việc thật”.
Ngày 29/8, nghệ sĩ Trần Thái Sơn là người đầu tiên mở màn chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê” với các làn điệu chèo cổ như “Đào liễu”, “Tò vò”, trích đoạn “Hề cu cậu”, tiết mục “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”... Nghệ sĩ Hà Thanh Thảo, cô “đào thương” được đánh giá là “thanh sắc vẹn toàn” của Nhà hát Chèo Việt Nam đã biểu diễn các tiết mục như “Lời ru tình mẹ”, “Lời ca dâng Bác”, “Toàn dân chống dịch”, “Vọng từ phương xa”, “Đò đưa”... Nghệ sĩ Hà Việt Cường đã biểu diễn các làn điệu “Sa lệch chênh” (còn gọi là “Lạc chốn đào nguyên”), “Đường trường vị thủy”, “Ngợi ca người chiến sĩ áo trắng”...
“Là nghệ sĩ đầu tiên được chọn biểu diễn trong chương trình “Giữ lửa đam mê” của Nhà hát Chèo Việt Nam tôi rất hào hứng và cố gắng để không phụ lòng khán giả. Trong bối cảnh đại dịch, nhờ có công nghệ 4.0 mà nghệ sĩ được gần với khán giả hơn. Tôi mong khán giả sẽ tiếp tục quan tâm, dành nhiều tình cảm hơn cho Thái Sơn và các chương trình “Giữ lửa đam mê” của Nhà hát Chèo Việt Nam các số tiếp theo...”, nghệ sĩ Thái Sơn chia sẻ.
Có thể thấy, dù bối cảnh dịch bệnh khiến nghệ thuật truyền thống cũng như bất kỳ một ngành nghệ thuật nào cũng đều gặp khó khăn. Từ đầu năm 2020, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trực tuyến (chủ yếu qua nền tảng facebook) bắt đầu xuất hiện và dần trở thành một xu thế đã nhận được sự đồng cảm và sẻ chia từ khán giả. Do đặc thù của mình, nghệ sĩ ở mảng nghệ thuật truyền thống nhập cuộc có phần muộn hơn, nhưng chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê” của Nhà hát Chèo Việt Nam đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, giành được tình cảm yêu thương trân quý của khán giả.
Chị Vũ Hương Lan, Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam, đồng thời là người quản lý fanpage Nhà hát Chèo Việt Nam đã đề xuất ý tưởng xây dựng chương trình “Giữ lửa đam mê” thông tin: “Chương trình “Giữ lửa đam mê” của Nhà hát Chèo Việt Nam sau khi phát sóng những số đầu tiên đã nhận được sự ủng hộ lớn từ khán giả. Có thời điểm, người xem lên đến trên 500 người. Thực sự đây không phải là con số lớn đối với nhiều nghệ sĩ ở các bộ môn khác, nhất là âm nhạc, nhưng với người làm nghệ thuật truyền thống như chèo, đây là con số rất đáng quý, vì nó thực sự tương đương với lượng khán giả đến rạp.
Theo kế hoạch, sau 7 số là những gương mặt trẻ đang công tác tại nhà hát, chương trình sẽ mời những nghệ sĩ gạo cội từng công tác, thành danh, có những vai diễn “đóng đinh” trong lòng khán giả tại Nhà hát Chèo Việt Nam tham gia biểu diễn phục vụ khán giả. Hiện nay, dù có nhiều khó khăn, nhưng Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn nỗ lực với mong muốn sẽ duy trì chương trình trong thời gian dài, đưa “Giữ lửa đam mê” trở thành thương hiệu trên nền tảng trực tuyến của Nhà hát Chèo Việt Nam”.
Nói về loạt chương trình “Giữ lửa đam mê” trong thời gian giãn cách kéo dài vừa qua, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Qua chuỗi chương trình “Giữ lửa đam mê”, các nghệ sĩ tiếp tục được luyện nghề, đem lời ca tiếng hát của mình cổ vũ công tác phòng, chống dịch, nhất là lực lượng y tế tuyến đầu”.
Theo NSND Thanh Ngoan, kế hoạch của nhà hát sẽ làm 10 số, sau đó nếu tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng và không còn phải giãn cách, nhà hát sẽ bắt tay ngay vào “chạy” các chương trình còn dang dở như tổng duyệt vở “Hồng Hà nữ sĩ” và một số chương trình nhỏ khác...