Kinh tế

Nỗ lực giữ ổn định giá cả hàng hóa

THANH GIANG 15/07/2024 08:18

Lương cơ bản đã tăng từ 1/7, song thời điểm này thị trường giá cả vẫn khá ổn định, khác hẳn với những thời điểm tăng lương trước đây.

duoi.jpg
Người tiêu dùng lựa chọn kỹ hàng hóa, giá cả Ảnh: M.H

Chặn đà tăng giá hàng hóa

Bà Phạm Ngọc Ngoan (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Trước khi lương tăng tôi rất lo ngại giá cả sẽ “phi mã” chóng mặt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay đã yên tâm phần nào vì giá một số mặt hàng vẫn ổn định như trước”. Theo bà Ngoan, rau củ quả gần như ở mức giá cũ, dao động từ 20.000 – 45.000 đồng/kg, tùy loại. Tương tự, với thực phẩm tươi sống như: tôm, cá, mực, thịt... giá cũng không tăng nhiều.

Không chỉ người tiêu dùng sợ hàng hóa tăng giá, tiểu thương các chợ truyền thống cũng lo lắng và đặt câu hỏi, tăng giá thì ai mua hàng? Chủ một sạp thịt heo tại chợ Phước Bình (TP Thủ Đức) than thở: “Một ngày bán được khoảng 60 – 70kg thịt heo, nếu giá tăng cao chỉ còn cách đóng cửa nghỉ bán. Trước đây, một ngày tôi có thể bán được gần 100kg thịt, tuy nhiên giờ kinh tế khó khăn nên sức mua giảm rõ rệt”.

Mong giữ sức mua cũng như kìm giá hàng hóa, nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi. Cụ thể, siêu thị MM Mega Market có chương trình khuyến mãi đậm cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống, giảm 40 – 50% các đồ dùng gia đình. Tại Saigon Co.op, giảm giá đến 50% các mặt hàng nhãn riêng của đơn vị như: rau xanh, trái cây, thủy hải sản, gạo, dầu ăn, bún tươi, bánh phở... Ngoài ra, đơn vị này còn tổ chức các phiên chợ đồng giá với hơn 100 sản phẩm được chỉ có giá từ 10.900 đồng trở lên theo khung giờ quy định trong ngày. Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: Với vai trò điều tiết thị trường của các cơ quan chức năng, việc đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp (nếu có) đã chốt chặn hiệu quả. Đơn vị không chấp nhận đề xuất tăng giá của nhà sản xuất, mọi lý do tăng giá hàng hóa đều được xem xét kỹ lưỡng.

Thời gian qua, TPHCM tiếp tục tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung, giảm giá tối đa lên đến 100% giá trị hàng hóa. Chương trình này thu hút gần 10.000 thương nhân tham gia với 55.000 chương trình khuyến mãi. Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho rằng, khuyến mãi sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm có giá cả phải chăng.

Đảm bảo giá cả không “té nước theo lương”

Theo ông Thắng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống vẫn ổn định, không có biến động so với trước thời điểm tăng lương (1/7).

Ông Nguyễn Minh Hùng – Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM cho hay, trước đây, mỗi lần tăng lương hay dịp lễ, tết… rất dễ xảy ra hiện tượng đầu cơ, tích trữ, tăng giá bất hợp lý. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn hàng không ổn định.

Theo Sở Công thương, từ ngày 1/7, việc tăng lương tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ dễ dẫn đến tác động dây chuyền nên cần chuẩn bị các biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực. Từ trung ương đến địa phương đều đã có phương án dự phòng. Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có chỉ thị đảm bảo cung - cầu. TPHCM cũng đã có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các quận, huyện bám sát thị trường, doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung thiếu hụt cục bộ, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa… trong mọi tình huống.

Nhằm hạn chế tình trạng hàng hóa “té nước theo lương”, ngoài việc “kìm cương” giá cả, ổn định nguồn cung, ông Hùng cho biết, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị tập trung theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tác động lớn. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực giữ ổn định giá cả hàng hóa