Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã quyết định giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” trong năm 2025. Tới nay, việc ô nhiễm các dòng sông vẫn là vấn đề nhức nhối. Dư luận chờ đợi việc giám sát tối cao của Quốc hội sẽ hồi sinh những dòng sông chết.
Việc Quốc hội “chốt” giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đem tới hy vọng hồi sinh những dòng sông. Với Hà Nội, việc các dòng sông chảy trong thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng đã là nỗi đau đầu của chính quyền lẫn người dân. Rất nhiều dự án, nhiều giải pháp, quyết tâm từ phía cơ quan chức năng và chính quyền nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không thay đổi.
Trong 4 con sông (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) thì sông Tô Lịch ô nhiễm nặng nề nhất. Có thể nói, làm sống lại sông Tô Lịch là ước mơ của người Hà Nội, nhưng lại là giấc mơ dang dở. Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm hồi sinh sông Tô Lịch, như lấy nước sông Hồng tạo dòng chảy sông Tô Lịch; Dùng chế phẩm Redoxy-3C khử ô nhiễm nước; Công nghệ tiên tiến phân hủy bùn... Tuy nhiên, mối lo vẫn còn đó khi mà tới nay 2 bên bờ sông đoạn chảy trong nội thành vẫn có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông.
Theo PGS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, để có thể hồi sinh các con sông nội đô Hà Nội thì phải kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, trong đó có việc di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố.
Đáng buồn là không chỉ các dòng sông, những con kênh trong nội thành Hà Nội, TPHCM bị ô nhiễm trầm trọng, kéo dài, mà nhiều con sông cũng có những dấu hiệu bất thường, đáng lo ngại. Gần đây sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài gần 105km, chảy qua 4 huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và 2 thị xã Hòa Thành, Trảng Bàng… người dân nuôi cá ven sông trắng tay, mất tiền tỉ. Những người nuôi cá bè lồng trên sông cho rằng cá chết đột ngột như vậy là do xả thải từ các nhà máy, khu công nghiệp. Hầu hết người dân trong khu vực sống bằng nghề nuôi cá, nuôi ốc, trồng lúa nên nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm đã gây thiệt hại rất lớn cho họ.
Trước đó, nhiều người nuôi cá lồng, bè trên sông Mã (đoạn qua huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) cũng bị cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, xác minh ban đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chuyên môn cho rằng hiện tượng cá chết không phải do dịch bệnh.
Còn tại tỉnh Quảng Trị, cũng có hiện tượng cá chết bất thường nổi đầy mặt sông Ô Giang (một nhánh sông Ô Lâu, thuộc địa bàn xã Hải Phong, huyện Hải Lăng). Người dân trong vùng rất hoang mang vì mọi người thường dùng nước sông phục vụ sinh hoạt.
Việc cá chết bất thường trên sông thường được cơ quan chức năng cho là do những cơn mưa đầu mùa cuốn trôi chất gây ô nhiễm từ cống rãnh các khu dân cư đổ ra sông. Cùng đó là do nắng nóng gay gắt khiến lượng oxy trong nước hạ thấp hơn so với điều kiện bình thường, cá bị thiếu oxy. Một lý do nữa có thể do dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu ảnh hưởng đến môi trường, tác động trực tiếp đến một số loài động thực vật, thủy sinh, trong đó có cá.
Những nguyên nhân ấy đều có. Nhưng nhiều người cho rằng, quan trọng hơn là việc các cơ sở sản xuất đã xả thải trực tiếp ra dòng sông. Họ không chịu bỏ tiền ra xây dựng hệ thống làm sạch trước khi xả thải ra môi trường, khác nào thái độ “sống chết mặc bay”. Đây phải được coi là đầu mối gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cho dù người dân phản ánh, nhưng chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng rất chậm chạp, hay nói đúng hơn là rất chần chừ trong việc tiến hành thanh tra, xử lý. Vì thế, ô nhiễm kéo dài, đẩy thiệt hại sang phía người dân.
Vì thế, việc Quốc hội quyết định giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, được người dân trông đợi. Ít nhất là việc xử lý ô nhiễm trên các dòng sông. Không thể để tình trạng các bên đổ lỗi cho nhau, mà cần rõ người rõ việc. Đặc biệt, với những người có quyền, có trách nhiệm, vì bất cứ lý do gì không chịu xử lý sai phạm dẫn đến ô nhiễm môi trường cũng cần phải xử lý.