Những năm qua, số vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra nhiều, song việc thực hiện công tác điều tra tai nạn lao động chưa được các địa phương chú trọng đặc biệt đối với khu vực không có hợp đồng lao động.
Thiệt hại hơn 42 nghìn tỷ đồng
Theo Bộ Nội vụ, năm qua, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng xảy ra có dấu hiệu tăng đến mức đáng lo ngại so với 2023. Cụ thể, theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố, năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động làm 8.472 người bị nạn. Số liệu trên được ghi nhận tại cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Số vụ tai nạn lao động chết người là 675 vụ, tăng 13 vụ so với năm 2023, trong đó khu vực có quan hệ lao động là 535 vụ, tăng 32 vụ so với năm 2023; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là 140 vụ, giảm 19 vụ so với năm 2023. Số người chết vì tai nạn lao động là 727 người, tăng 28 người so với năm 2023...
Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2024 như: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 42.565 tỉ đồng (tăng khoảng 26.208 tỉ đồng so với năm 2023).
Thiệt hại về tài sản trên 492 tỉ đồng (giảm khoảng 230 tỉ đồng so với năm 2023); tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 154.759 ngày (tăng khoảng 4.989 ngày so với năm 2023).
Dù số vụ tai nạn lao động gia tăng, song theo Bộ Nội vụ, việc báo cáo nhanh tai nạn lao động chết người chưa được một số địa phương thực hiện kịp thời, đầy đủ. Đáng chú ý, công tác điều tra tai nạn lao động đối với khu vực không có hợp đồng lao động chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động của UBND cấp xã triển khai còn rất hạn chế.
Nêu rõ nguyên nhân, bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực điều tra tai nạn lao động và chất lượng báo cáo tai nạn lao động đã phân cấp, phân quyền rõ cho cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, tại khu vực có quan hệ lao động, việc tổ chức triển khai thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động từ Trung ương đến địa phương còn gặp khó khăn về kinh phí. Tình trạng này cũng xảy ra với khu vực không có quan hệ lao động.
Nhận diện rủi ro để giảm thiệt hại
Để hạn chế tai nạn lao động, bà Chu Thị Hạnh cho biết, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2025 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Năm nay, các hoạt động đẩy mạnh việc tự quản trị rủi ro về an toàn vệ sinh lao động sẽ được tập trung đẩy mạnh. Theo đó, Tháng hành động được tổ chức từ ngày 1/5 đến 31/5. Trong Tháng hành động, nhiều hoạt động sẽ diễn ra ở Trung ương và các địa phương như: Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức thăm hỏi nạn nhân và thân nhân người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động...
“Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động nhằm tạo cao điểm truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, người sử dụng lao động, đồng thời thúc đẩy các giải pháp, chương trình hành động cụ thể về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” - bà Chu Thị Hạnh nhấn mạnh.
Bộ Nội vụ cho rằng, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp, thực hiện báo cáo nhanh tai nạn lao động chết người, biên bản điều tra tai nạn lao động theo Luật An toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, tăng cường tổ chức điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, chú trọng đến chất lượng điều tra tai nạn lao động.