Trận lũ bất ngờ khiến nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh bị nước lũ nhấn chìm, người dân trở tay không kịp, toàn tỉnh ảnh hưởng nặng nề. Nông dân mất mùa ngay trong nhà.
Lũ đến bất ngờ
Đêm 24 và rạng sáng ngày 25/5, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn nhiều giờ liền gây ra trận lũ trong đêm khiến người dân không kịp trở tay. Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh đánh giá, đợt lũ cục bộ xảy ra tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh vào rạng sáng ngày 25/5 là trường hợp đặc biệt, rất cực đoan và khó lường.
Dù đã được dự báo, song ông Nguyễn Hữu Linh (trú thôn Thượng Long, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) không nghĩ mưa lại lớn và nước dâng nhanh lên như thế. Ông Linh cho biết, nước lũ dâng nhanh nên vợ chồng ông phải kê những bao lúa vừa thu hoạch xếp chồng lên cao, nhưng dọn đến đâu nước lũ dâng lên đến đó. Đang dọn lúa chạy lũ, sực nhớ đến lợn, gà phía sau chuồng, ông bảo vợ tiếp tục kê lúa, còn ông chạy ra sau nhà, bắt 2 con lợn nhốt vào phòng bếp. Một mình không kịp trở tay, khi bắt xong lợn, ông Linh xót xa đứng nhìn đàn gà 20 con của gia đình bị nước lũ cuốn trôi ngay trước mắt.
“Hai vợ chồng tôi dọn từ lúc 1 giờ sáng đến nay hơn 10 tiếng không nghỉ tay, với hy vọng vớt vát được chút tài sản của gia đình. Song, vẫn không kịp, 9 tạ lúa bị ngâm nước lũ hư hỏng hoàn toàn” - ông Linh nói.
Cùng thời điểm, ông Lê Xuân Hồng (trú thôn Thượng Long, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) tất bật sửa soạn, kê cao đồ đạc trong gia đình. Gia đình ông là một trong những hộ làm nhiều lúa nhất vùng với 4 mẫu ruộng, trong đó, còn 1 mẫu chưa thu hoạch. 3 tấn lúa thu hoạch vài ngày trước, được ông đóng vào bao tải, trùm bạt kín phòng mưa gió lốc. Song, từ giữa đêm, mưa bắt đầu xối xả, dự sẽ ngập sâu, ông thức dậy lúc 1 giờ sáng, kê lúa lên cao. Nước lên nhanh quá, không kịp trở tay khiến toàn bộ số lượng lúa của gia đình ông Hồng bị ngâm nước, mưa tạt ướt sũng.
Ông Võ Tá Kỷ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, lũ từ thượng nguồn đổ về rất nhanh. Trục đường liên xã Cẩm Duệ - Cẩm Thành qua trụ sở UBND xã Cẩm Duệ bị ngập lúc rạng sáng. Lũ lên ảnh hưởng khoảng 7 thôn trên địa bàn; trong đó có 2 thôn Tân Duệ và Quang Trung bị ngập sâu khoảng 150 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu.
Ngay trong đêm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Cẩm Xuyên cũng phát đi các bản tin cảnh báo đến người dân và chỉ đạo các xã ở vùng ngập lụt, sạt lở đất, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Ngoài lực lượng Công an, Quân sự tại các xã, ở các thôn đều có đội xung kích phòng, chống lụt bão, kịp thời triển khai phương án 4 tại chỗ.
Còn tại xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tình hình ngập lụt cũng diễn biến phức tạp. Do ảnh hưởng mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, kết hợp mực nước trong lòng đập Hà (thôn Quý Hải) dâng cao khiến một đoạn đê của đập Hà (dài khoảng 7m, rộng khoảng hơn 4m) bất ngờ bị vỡ vào khoảng 1 giờ sáng ngày 25/5. Sau khi đoạn đê của đập Hà bị vỡ, nước từ trong lòng đập chảy ồ ạt về phía hạ du, khiến gần 10ha lúa mùa và hoa màu gần chân đập bị ngập; nước cũng tràn vào vườn một số nhà dân ở địa phương.
Tập trung khắc phục sau lũ
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện khẩn gửi các đơn vị, địa phương về việc tập trung triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ trên địa bàn. Khẩn trương liên hệ với các chủ cơ sở sấy lúa để tổ chức sấy kịp thời số lúa đã bị ướt cho bà con nông dân, hướng dẫn người dân bảo quản số lượng lúa đã thu hoạch chưa bị ướt nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tập trung túc trực để vận hành tiêu thoát lũ tại các trục tiêu, nhất là các trục tiêu lớn để tiêu thoát nhanh cho các vùng đang bị ngập sâu và vùng có lúa, hoa màu chưa thu hoạch…
Ông Hà Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin, việc cấp bách nhất hiện nay là huyện tập trung điều động lực lượng hỗ trợ người dân đưa lúa đi sấy khô ngay lập tức, không để lúa bị ẩm mốc, nảy mầm gây mất trắng. Ngoài ra, địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo người dân dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là xử lý xác động vật chết để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh bùng phát.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chi cục đã tiến hành rà soát, liên hệ 15 cơ sở, công ty, hợp tác xã có dịch vụ sấy thực hiện sấy lúa cho bà con. Tập trung ở các địa bàn Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh.
Lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ… cũng được huy động để giúp người dân di dời tài sản, vệ sinh nhà cửa, hỗ trợ thu hoạch nông sản. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại sau mưa lũ. Các đơn vị lực lượng vũ trang nắm tình hình, sẵn sàng giúp dân khi có tình huống.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh, mưa lụt từ chiều 24 đến rạng sáng ngày 25/5 đã gây thiệt hại khá lớn. Toàn tỉnh có 2.076 tấn lúa đã thu hoạch đưa về nhà bị ướt; 2.250 ha lúa ngoài đồng chưa thu hoạch bị ngập; cây trồng khác có 397 ha bị ngập. Huyện Cẩm Xuyên là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 1.888 tấn lúa đã thu hoạch bị ướt; 774 ha lúa ngoài đồng bị ngập; 11.895 gia cầm bị chết, 11 tấn phân bón bị ướt; 80m tường hàng rào bị đổ. Huyện Hương Khê có 300 con gà bị chết; thị xã Kỳ Anh có 3 tàu cá nhỏ bị chìm ở xã Kỳ Lợi. Mưa lớn đã làm sạt lở, cuốn trôi khoảng 10m bờ bao của đập Hà ở xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà với khối lượng đất bị cuốn trôi khoảng 200m3.