Kinh tế

Nỗ lực kiểm soát lạm phát

THÁI NHUNG 01/06/2024 09:37

Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 được Quốc hội quyết nghị ở mức 4-4,5%. Tuy nhiên trong 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã ở mức 4,03%, vượt ngưỡng 4%.

anhtren.jpg
Giá cả nhiều mặt hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Ảnh: Quang Vinh.

Theo cục Thống kê, mức tăng CPI của tháng 5/2024 so với tháng trước chỉ ở mức thấp (tăng 0,05%), nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước là 4,44%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5/2024 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá. Báo cáo của Tổng cục Thống kê còn cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%). Điều này chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập đến việc tốc độ tăng CPI bình quân đã tiến sát mức mục tiêu Quốc hội đề ra để nhấn mạnh về áp lực lạm phát và những rủi ro tiềm ẩn mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Áp lực lạm phát đang chịu tác động của biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải đường biển, hàng không thế giới, tác động đến giá xăng dầu, nguyên vật liệu, vận tải trong nước. Việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương… Như vậy, việc thực hiện kiểm soát lạm phát là điều quan trọng cần làm ngay.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, CPI tăng trước hết là do giá một số nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng, giá điện, giá xăng tăng. Bên cạnh đó, lãi suất đang có xu hướng đi lên có thể làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy giá cả hàng hóa tăng trong thời gian qua. Đáng chú ý, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024 vừa góp phần đẩy chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể tạo lạm phát tâm lý… Do đó, theo ông Phú, để kiểm soát lạm phát cần tiếp tục củng cố hệ thống phân phối quốc gia, giảm bớt trung gian đưa thẳng hàng hóa từ nơi sản xuất đến bán lẻ để giảm giá thành sản phẩm. Thúc đấy sản xuất, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Hiệu lực quản lý nhà nước phải mạnh hơn nữa đặc biệt là trong quản lý thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Chi quỹ bình ổn hợp lý để giảm giá xăng dầu, hàng thiết yếu, điều chỉnh sớm mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân… Những số liệu về thống kê phải gần sát thực tế hơn để phản ánh tương đối chính xác và lên kế hoạch để chăm lo đời sống cho người dân.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, để kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu đã đặt ra, cần kiểm soát tốt giá hàng hóa trước tác động của lạm phát tâm lý. Về chính sách tiền tệ, dư địa kiểm soát biến động của tỷ giá vẫn còn, nên cần phối hợp tốt với chính sách lãi suất để bảo đảm kiềm chế đà tăng của tỷ giá, tránh tác động bất lợi với lạm phát và các yếu tố vĩ mô khác. Bên cạnh đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024 góp phần kiềm chế lạm phát, ông Việt kỳ vọng, Chính phủ sẽ cân nhắc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tài khóa như giảm thuế, phí để hỗ trợ giảm gánh nặng chi phí cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%). Điều này chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực kiểm soát lạm phát