Pháp luật

Nỗ lực ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng

Văn Thanh 04/01/2024 07:03

Theo Công an Hà Nội, thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và địa bàn huyện Ba Vì nói riêng xuất hiện nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong Nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu do người dân không nắm rõ được thủ đoạn và nhẹ dạ tin vào lời dụ dỗ của các đối tượng.

Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, hoạt động theo ổ nhóm, với nhiều chiêu thức biến tướng, nhằm vào người dân để chiếm đoạt tài sản. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản có thể xảy ra, Công an huyện Ba Vì xác định việc nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm và cung cấp đầy đủ thông tin thủ đoạn tội phạm cho người dân là biện pháp quan trọng, hữu hiệu nhất.

Do đó, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo xây dựng, thiết kế áp phích bằng hình ảnh sinh động, ngắn gọn, kèm số điện thoại của trực ban Công an huyện, Đội Cảnh sát hình sự để người dân thuận lợi liên lạc khi có vụ việc xảy ra.

1-2023-489.jpeg
Công an xã Tản Lĩnh ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo trên không gian mạng tại Ngân hàng Agribank ngày 1/12/2023. Ảnh CACC.

Trên cơ sở ý tưởng và sự chỉ đạo, bộ áp phích thông tin tóm tắt 21 thủ đoạn phổ biến và cập nhật nhất của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được Công an huyện Ba Vì thiết kế và cho ra đời. Hình ảnh tuyên truyền này sẽ được đăng tải đồng loạt trên các kênh mạng xã hội của Công an huyện Ba Vì và 31 đơn vị Công an xã, thị trấn.

Ngoài ra, các nội dung sẽ được in thành tờ rơi dán tại các điểm công cộng, nhà dân và được sử dụng tuyên truyền tới người dân tại các buổi họp, tuyên truyền về pháp luật tại cơ sở. Các thủ đoạn phổ biến hiện nay được Công an huyện Ba Vì cảnh báo là hack tài khoản mạng xã hội để mượn tiền, giả danh cơ quan thực thi pháp luật và lãnh đạo, mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội, lừa đảo mua hàng trực tuyến, lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, giả chuyển tiền nhầm để ép vay…

Theo Đại tá Kiều Quang Phương, Trưởng Công an huyện Ba Vì: "Đây là những thủ đoạn mà quá trình đấu tranh thực tiễn, đơn vị đã đúc kết và thực tế có nhiều nạn nhân bị sập bẫy. Chính vì vậy, việc thiết kế bộ áp phích thông tin tóm tắt 21 thủ đoạn phổ biến để truyền tải đến tận người dân là việc làm kịp thời, thiết thực để cảnh báo cho nhân dân. Cùng với việc phát tờ rơi, dán tại các điểm công cộng, Công an huyện Ba Vì cũng đã cử cán bộ đến tận từng gia đình để tuyên truyền, qua đó giúp lan tỏa các nội dung phòng ngừa cho người dân thật sự hiệu quả".

Thời gian tới, Công an huyện Ba Vì sẽ tiếp tục triển khai biện pháp tuyên truyền bằng áp phích, đồng thời áp dụng các hình thức tuyên truyền khác để giúp nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm của người dân, đặc biệt đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng