Xã hội

Nỗ lực ổn định thị trường lao động

Lê Bảo 04/01/2024 07:14

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), dù khó khăn nhưng thu nhập của người lao động vẫn tăng lên trong năm 2023: mức lương bình quân ước đạt 8,49 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng).

anhbaitren(1).jpg
Nhiều chính sách được đưa ra nhằm nỗ lực ổn định thị trường lao động. Ảnh: Lan Hương.

Mức lương cao nhất hơn 800 triệu đồng/tháng

Mới đây Bộ LĐTBXH đã công bố kết quả khảo sát về thực trạng việc làm và thu nhập của người lao động (NLĐ) trong năm 2023. Kết quả khảo sát dựa trên số liệu tổng hợp của hơn 47.300 doanh nghiệp (DN), tương ứng với 4,79 triệu lao động (chiếm 17,36% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước). Theo báo cáo, tiền lương năm của NLĐ có tăng lên. Đáng chú ý, mức lương cao nhất năm 2023 là 834 triệu đồng/tháng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại DN FDI ở Đồng Nai.

Thu nhập của NLĐ tăng lên trong năm 2023 cũng được phản ánh qua số liệu thống kê từ báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Theo đó, tính chung năm 2023, thu nhập bình quân của lao động là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459.000 đồng so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,0 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,7 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,2 triệu đồng/tháng.

Riêng trong quý IV/2023, thu nhập bình quân của lao động là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180.000 đồng so với quý III/2023 và tăng 444.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân của NLĐ cũng có sự chênh lệch đáng kể theo vùng kinh tế - xã hội. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của NLĐ quý IV/2023 tăng lên ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có tốc độ tăng cao nhất.

Năm 2024 vẫn là năm khó khăn với thị trường lao động

Nhận định về bức tranh thị trường lao động 2024, báo cáo triển vọng thị trường lao động năm 2024 của Navigos Group (Tập đoàn về tuyển dụng nguồn nhân lực) cho thấy dù có những biến động trong thị trường tuyển dụng, nhưng 59,1% DN cho biết vẫn sẽ tuyển dụng thêm 25% nhân sự trong năm 2024. Báo cáo cũng chỉ ra rằng làm việc linh hoạt là xu hướng đang được nhiều NLĐ quan tâm nhất trong thời gian tới, với 50% NLĐ lựa chọn.

Đáng chú ý, những việc làm mới dần xuất hiện trong giai đoạn 2023 - 2024 sẽ tập trung về trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh... Trong đó, các công việc liên quan đến lĩnh vực AI và xử lý dữ liệu đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề như: công nghệ thông tin - viễn thông, xây dựng - bất động sản, ngân hàng, giáo dục, dịch vụ tài chính - tư vấn, dịch vụ tư vấn, bảo hiểm.

Dù có nhiều điểm sáng về tuyển dụng nhất là những lĩnh vực công nghệ số, tuy nhiên giới chuyên gia dự báo năm 2024 vẫn nhiều khó khăn với thị trường lao động. Theo báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2027, dự kiến có thêm 69 triệu việc làm mới được tạo ra trên toàn thế giới. Song song đó 83 triệu công việc có khả năng nằm bên lề thị trường lao động, đồng thời hơn 14 triệu công việc sẽ biến mất. Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ xu hướng này và nếu NLĐ xác định sai ngành nghề thì sẽ khó trụ vững trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, năm 2024 dự báo tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, kinh tế tiếp tục còn đối mặt với khó khăn thách thức. Vì vậy, ngành lao động sẽ tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm. Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường. Đồng thời phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hoá. Tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có nguồn nhân lực dồi dào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực ổn định thị trường lao động