Tổng cục Thuế cho biết, có trên 4.100 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên cả nước đã thực hiện phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng (tăng 1.400 cửa hàng so với thời điểm 1/12/2023).
Tạo lập thói quen phát hành hóa đơn điện tử
Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13348 đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác triển khai hoá đơn điện tử (HĐĐT) đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, xăng dầu.
Theo Tổng cục Thuế, đến nay, toàn ngành đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp (DN), cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng.
Tại từng địa phương, Cục Thuế đã phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương tham mưu với UBND thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với các DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu nắm bắt thực trạng để tham mưu UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương gắn với từng địa bàn, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu; tăng cường, đa dạng các hình thức tuyên truyền quy định về phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đến từng DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu...
Bên cạnh các DN đã thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng thì các DN khác cũng đang khẩn trương, tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các giải pháp để thực hiện việc phát hành HĐĐT đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nhiều địa phương có tỷ lệ DN triển khai đạt cao như: Bắc Ninh (96,9%), Thanh Hóa (95%), Yên Bái (70,6%), Quảng Nam (57,3%), Cao Bằng (54,5%), Kon Tum (54,4%), Thừa Thiên Huế (53,3%),...
Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 123 ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ.
Đồng thời, quyết liệt triển khai nhiệm vụ đến lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo phòng, chi cục Thuế và đến công chức quản lý đơn vị để làm việc, tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về HĐĐT tới từng DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu để các đơn vị hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện được phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định.
Năm 2024 cần 28,42 triệu m3 xăng dầu
Theo ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế thực hiện cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu m3/tấn, trong đó, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại ước cả năm 2023 khoảng 10,2 triệu tấn.
Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023; đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2024, khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của DN, Bộ Công thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024. Theo đó, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Tập đoàn đã chỉ đạo phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu ít nhất ngang bằng với năm 2023. Còn ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho hay, năm 2024, Tập đoàn được Bộ Công thương phân giao 1,5 triệu m3/tấn, so với sản lượng xuất bán năm 2023 thì con số này tăng 12%; đối với mặt hàng dầu diesel, Bộ Công thương phân giao tăng 22% so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023. Ngay đầu tháng 1/2024, Tập đoàn đã chủ động tạo nguồn mua từ 2 nhà máy trong nước, cũng như nhập khẩu, với lượng tăng khoảng 10% so với sản lượng phân giao bình quân.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, nguồn cung và giá cả vật tư chiến lược rất khó đoán định, Bộ Công thương cho rằng, cần có một phương án tình thế, dự phòng để có thể chủ động về nguyên liệu trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước dự báo sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến do đó, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, kịch bản điều hành không phải là hàng năm mà phải từng tháng và hàng quý. Kế hoạch này cũng điều chỉnh một cách linh hoạt, lấy kết quả của tháng này làm cơ sở để xem xét kế hoạch điều hành cho những tháng tiếp theo.
Cũng theo Bộ trưởng Công thương, mong muốn phải theo quy luật thị trường hoàn toàn nhưng đây là vật tư chiến lược và là loại hàng hóa có tác động rất lớn đến chỉ số CPI, ổn định kinh tế vĩ mô, cho nên, chúng ta vẫn phải vừa vận hành theo cơ chế thị trường nhưng vừa phải bảo đảm vai trò nhà nước trong việc quản lý điều tiết các mặt hàng này.