Để tăng sức hút từ chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện một cách phù hợp để bảo đảm về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại do tác động của lạm phát.
Số người tham gia BHXH tự nguyện gia tăng
Đánh giá về việc triển khai chính sách an sinh xã hội trong đó có chính sách BHXH tự nguyện, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Bá Hoan cho biết, trong năm 2021, do đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và lan rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, số người tham gia, số thu BHXH bắt buộc có tăng lên so với năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục gia tăng, vượt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ vẫn nỗ lực, quyết tâm trong việc trình Quốc hội ban hành Nghị định số 108/2021 điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm BHXH cấp hằng tháng trước ngày 01/01/2022. Đây chính là nhân tố quan trọng góp phần mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp còn dưới tiềm năng.
Tại Hà Nội, báo cáo với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016-2021 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng dần qua các năm. Theo đó, năm 2018 có 21.247 người tham gia đến năm 2021 đã có 63.304 người tham gia, tăng 42.057 người tương ứng tăng 197,9% so với năm 2018. Mặc dù vậy, đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng lưu ý, công tác phát triển BHXH tự nguyện ở Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể, các đối tượng lao động tự do có thu nhập không ổn định còn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong tham gia BHXH tự nguyện khi mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách còn thấp, quyền lợi hưởng chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, thời gian tham gia để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài 20 năm. Cùng với đó, Hà Nội hiện có số lượng khá lớn lao động phi chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp, thành viên hợp tác xã, nên cần quan tâm thu hút lượng lao động này, cần nhận diện rõ lượng lao động này đang ở đâu, hoạt động trong khu vực, lĩnh vực nào…
Những khó khăn trên không riêng với Hà Nội mà là thực tế chung trong công tác phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay.
Tăng sức thu hút
Để tăng sức hút từ chính sách BHXH tự nguyện, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện một cách phù hợp để bảo đảm về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại do tác động của lạm phát theo thời gian. Triển khai các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt (như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình).
“Chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn vì chính những bất cập của chính sách, chẳng hạn, chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện không có hưu trước tuổi, hưu do suy giảm khả năng lao động. Còn chế độ tử tuất không có tuất hằng tháng, chỉ có tuất một lần… Bên cạnh đó, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ từ các địa phương cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện” - PGS.TS Giang Thanh Long - giảng viên Khoa Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết.
Ngày 6/7/2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2022-2025 và ngày 31/8/2022, UBND TP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 234/KH-UBND để triển khai. Theo đó, từ ngày 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, người lao động có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia sẽ được hỗ trợ mức đóng cao gấp đôi so với quy định chung (tối đa 60%, tối thiểu 20%), tương ứng chỉ cần 132.000 đồng/tháng, nhiều trường hợp sẽ có tên trên hệ thống BHXH.
Ở cấp cơ sở, quận Long Biên đã có chính sách hỗ trợ 100% mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong thời gian từ tháng 8/2022 đến hết năm 2025. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, chỉ sau thời gian ngắn triển khai, đến cuối tháng 8/2022, toàn quận hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 300 người lao động thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn. Nhờ đó, số người tham gia BHXH tự nguyện ở Long Biên tăng 441 người trong 8 tháng năm 2022.