Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, hiện nay, tình trạng cho thuê chứng chỉ hành nghề y, dược vẫn lén lút diễn ra ở một số nơi và có chiều hướng ngày càng phổ biến.
Theo Luật sư Hùng, việc thuê chứng chỉ diễn ra rất công khai, thậm chí có người còn ngang nhiên thông tin trên các trang mạng xã hội để tìm thuê chứng chỉ. Còn người cho thuê thì chỉ vì lợi mà không ngần ngại, cho nhiều người thuê cùng lúc bất chấp hậu quả.
“Việc cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để đăng ký kinh doanh, hoạt động dịch vụ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Cụ thể, hành vi cho thuê chứng chỉ hành nghề dược, chứng chỉ hành nghề khám bệnh là hành vi bị nghiêm cấm.
Việc thuê, mượn, cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược để hành nghề hoặc kinh doanh dược là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 9 Điều 6 Luật Dược 2016. Việc thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 4 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đối với chứng chỉ hành nghề khám bệnh”, Luật sư Hùng khẳng định.
Đối với hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược, quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược. Ngoài ra thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có); Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.
Đối với hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, điểm d, đ khoản 7; điểm d, đ khoản 8; điểm b, c khoản 9 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 124/2021/NĐ-CP) quy định hình thức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: Thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để hành nghề; Cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, nếu người nước ngoài tái phạm hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Bên cạnh đó thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có). Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Những người hành nghề mà không có bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ thì nhất định sẽ xảy ra sự cố, sai sót, vi phạm pháp luật, nhất là có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Do đó những người thuê chứng chỉ hành nghề y, dược cũng sẽ bị xử phạt, nếu gây hậu quả cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương ứng.
Trên thực tế, việc ngăn chặn, xử lý, phát hiện việc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để đứng tên đăng ký kinh doanh, hành nghề không khó. Tuy nhiên việc phát hiện, xử lí lại chưa được nhiều.
"Theo tôi, trước hết, cần quy định người có chứng chỉ hành nghề chỉ được thành lập, đứng tên một cơ sở, một doanh nghiệp duy nhất. Nếu kinh doanh cùng ngành nghề thì khuyến khích họ mở chi nhánh và không hạn chế số lượng chi nhánh. Kế đến, cần quy định thời gian làm việc thường trực của người có chứng chỉ hành nghề hoạt động, làm việc tại cơ sở, doanh nghiệp", Luật sư đề xuất.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng, cơ quan quan lý cùng cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hơn nữa trong thời gian tới. Xử phạt nghiêm minh để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc khi những người không đủ trình độ chuyên môn kinh doanh ngành nghề đặc thù này.