Thời gian qua, tình trạng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) không chỉ gây khó khăn cho lực lượng thực thi trong việc phát hiện và xử lý mà còn gây áp lực lớn với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nhằm chống thất thu cho ngân sách.
Nhiều mánh khóe
Năm 2019, có 1 trường hợp chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đã được cơ quan quản lý bóc trần là Công ty Junma- Phú Thọ. Cụ thể, doanh nghiệp Juma thành lập vào năm 2017 nhưng đến năm 2019 doanh thu tăng đột biến, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đã rà soát, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế và phát hiện hàng hóa mua vào của doanh nghiệp (DN) là gỗ tròn với chứng từ mua trực tiếp của người dân. Nhưng qua xác minh đối với 9 hộ cá nhân (cả người trực tiếp trồng rừng bán ra và hộ cá nhân kinh doanh) cho thấy, người bán trên hồ sơ không có quan hệ mua bán với Công ty Junma, cũng không ký trên hồ sơ thu mua gỗ tròn của công ty này. Không chỉ có vậy, Phú Thọ là địa bàn có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, trong khi đó Công ty Junma Phú Thọ lại thu mua của các cá nhân, DN trên địa bàn không nhiều, nguồn gỗ nguyên liệu chủ yếu lấy của các DN ở Yên Bái, Lạng Sơn, Nghệ An, Bắc Giang hay Quảng Bình.
Qua xác minh từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2020, Công ty TNHH thương mại Tài Tiến đã xuất cho Công ty Junma Phú Thọ tổng số 202 hóa đơn GTGT với tổng giá trị 165,9 tỷ đồng, trong đó đã xác định giá trị hàng thực (ván bóc) mà Công ty TNHH Thương Mại Tài Tiến bán cho Công ty Junma Phú Thọ là 91,4 tỷ đồng, còn lại giá trị hàng hóa khống là 74,5 tỷ đồng đã được Công ty Junma sử dụng làm chứng từ kê khai khấu trừ và đề nghị hoàn thuế GTGT. Sau khi có đủ chứng cứ, cơ quan Cảnh sát điều tra PC03 (Bộ Công an) đã đồng loạt bắt giữ, khám xét nơi ở của 6 đối tượng có liên quan tại Phú Thọ, Yên Bái, TPHCM, thu giữ một lượng lớn hồ sơ tài liệu có liên quan đến hành vi vi phạm, đồng thời đã khởi tố 6 bị can với cùng tội danh mua bán trái phép hóa đơn GTGT và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có khá nhiều thủ đoạn, mánh khóe gian lận hoàn thuế GTGT đã bị cơ quan chức năng vạch trần trong thời gian qua, tiêu biểu là các hành vi: Giả mạo hồ sơ xuất khẩu (XK) hàng hóa, dịch vụ XK khống; quay vòng hàng hóa để XK nhiều lần đối với 1 lô hàng; thành lập DN “ma” chỉ để bán hóa đơn cho DN khác nhằm hợp thức hóa đầu vào của DN mua hóa đơn (bán khống hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ) hay thành lập các DN “ma” chỉ để cấp hóa đơn đầu vào hợp thức hóa cho 1 DN bán hàng hóa nhập lậu…
Mới đây nhất, qua công tác kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh tinh bột sắn, thu mua nguyên liệu tại các cơ sở kinh doanh trong nước rồi làm hồ sơ XK tinh bột sắn ra nước ngoài. Khi cơ quan thuế Việt Nam thực hiện xác minh hóa đơn theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để thu thập thông tin củng cố hồ sơ hoàn thuế, thì được cơ quan thuế nước ngoài trả lời không có thông tin người nộp thuế, không liên lạc được và không tìm thấy địa chỉ trụ sở của các cá nhân và DN mua hàng nhập khẩu. Trên cơ sở thư trả lời xác minh của Cơ quan Thuế nước ngoài: Đơn vị nhập khẩu không tồn tại; đã bỏ trốn, mất tích; có tồn tại nhưng không thừa nhận có mua hàng.
Đây là những DN có rủi ro cao về thuế không đáp ứng các điều kiện về hoàn thuế theo quy định của Luật thuế GTGT do một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, đã bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng nhập khẩu ghi trong hợp đồng hoặc ủy quyền cho bên thứ 3 chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới mà không được quy định trong hợp đồng hoặc các văn bản khác, do đó không đủ điều kiện về thanh toán để được hoàn thuế.
Tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm
PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, để hạn chế tối đa hành vi gian lận này, thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế và công tác điều tra của cơ quan chức năng nhằm phát hiện sớm và xử lý kiên quyết, kịp thời một cách triệt để các hành vi gian lận thuế GTGT.
Đối với tình trạng DN lợi dụng chính sách thuế nói riêng và chính sách quản lý nói chung để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, triển khai yêu cầu của Bộ Tài chính về chống gian lận hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế đã xây dựng và triển khai thống nhất trong ngành các giải pháp giảm thiểu tình trạng gian lận hoàn thuế GTGT, từng bước ngăn chặn và phấn đấu chấm dứt tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT.
Trong đó, Tổng cục Thuế đã thành lập ban chỉ đạo 1385 để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống gian lận, chống hoàn thuế GTGT. Ban chỉ đạo 1385 đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thống nhất toàn ngành trong việc triển khai đồng bộ công tác thanh tra, kiểm tra các DN có dấu hiệu rủi ro cao trong hoàn thuế GTGT.
Đồng thời, chủ động đẩy mạnh rà soát, phát hiện các trường hợp DN có dấu hiệu rủi ro về hoàn thuế để triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn từ xa các trường hợp vi phạm, có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều địa phương hoặc mang tính hệ thống.