Lợi nhuận của hệ thống tài chính đã tăng tích cực 40% trong năm 2017 nhưng kèm với đó, ám ảnh về nợ xấu vẫn chưa giảm.
Theo dữ liệu thống kê, hệ thống ngân hàng đã tự xử lý khoảng 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Điều đáng mừng là cùng với nợ xấu được xử lý tích cực, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên trên 40% năm 2017 vừa qua. Điều này cũng khá tương đồng với thực tế khi các ngân hàng liên tiếp báo lãi nghìn tỷ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thuỳ - Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp (Uỷ ban Giám sát tài chính) cho biết, dù đã nỗ lực xử lý nợ xấu thế nhưng về cơ bản nợ xấu vẫn còn cao. Theo tính toán của cơ quan này, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng là 9,5%, tức cao gấp 3 con số báo cáo của NHNN, dù đã giảm mạnh từ mức 11,5% năm ngoái.
Chưa kể nguy hiểm hơn đang có hiện tượng tín dụng biến tướng. Tức là các ngân hàng đẩy tín dụng tiêu dùng, trong đó có tín dụng bất động sản sang công ty tài chính. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, năm 1997, Trung Quốc và Thái Lan đã đổ bể gần như hàng loạt công ty tài chính, kể cả cho vay tiêu dùng lẫn cho vay bất động sản. Đây là bài học lớn cho Việt Nam trong việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng chảy vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Nguy cơ có thể sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng tiêu dùng trong tương lai đang hiển hiện trước mắt.
Hiện nay với lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản, NHNN đã có giải pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp.