Mù Cang Chải (Yên Bái) ngày này vẫn hằn lên những tang thương mất mát. Lực lượng chức năng đang giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm người mất tích. Ông Đào Xuân Khải- Chỉ huy phó tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Mù Cang Chải kể, lực lượng điều động ngày ít khoảng 70 người, ngày nhiều khoảng 120 người, lùng sục khắp trong lòng hồ thủy điện Khao Mang để tìm kiếm người xấu số.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Nọi Mùa A Tòng chỉ vào một nhánh của khe La Phu Khơ- khe nước lớn nhất của xã.
Mù Cang Chải (Yên Bái) là huyện nghèo nhất nước, nay gánh chịu thêm những đau đớn và tang thương của lũ quét, lũ ống. Tới nay, các lực lượng vẫn tiếp tục tìm kiếm những người xấu số mất tích. Dẫu có thể vô vọng, nhưng là sự ấm lòng cho người ở lại.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Giàng A Tông chỉ xuống lòng hồ thủy điện Khao Mang bảo, như vậy đã sang ngày thứ 8. Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục lặn tìm những nạn nhân hiện đang mất tích trong trận lũ quét lịch sử hôm mùng 3 tháng 8. Cơn mưa to đêm qua đang làm lượng bùn đất dưới lòng hồ tan dần, chứ đặc quánh như mấy hôm trước thì khó lắm. Hy vọng có thể tìm thêm được ai đó, an ủi người thân gia đình vốn đã nhiều ngày đau đớn. Ở họ, vẫn còn chút niềm tin, dù là ít ỏi.
Hồ thủy điện Khao Mang, cách huyện lị Mù Cang Chải khoảng 4km, nơi tập trung của hầu hết các dòng chảy, của sông, suối, khe trong vùng. Cơn lũ quét đã đẩy một khối lượng đồ sộ đất, bùn, gỗ, rác, thập cẩm ngũ tạng từ trên núi, qua làng mạc xuống lòng hồ. Nhìn từ trên xuống, hồ có hình số 8 nằm ngang này không khác gì một bãi rác khổng lồ, loang lổ nước. Một vài điểm, bùn đất tụ dày đặc quánh, thậm chí có thể đi lên trên mà không sợ sụt lún.
Ông Đào Xuân Khải- Chỉ huy phó tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Mù Cang Chải kể, lực lượng điều động ngày ít khoảng 70 người, ngày nhiều khoảng 120 người, lùng sục trong lòng hồ. Lượng bùn đất hiện nay là lực cản chính trong quá trình tìm kiếm. Di chuyển bằng bè cực kỳ khó khăn. Bùn đất có nơi tích dày tới vài mét.
Chiều qua (ngày 10/8, PV), chúng tôi tìm thấy xác của một nạn nhân. 3 giờ chiều phát hiện, mãi gần 6 giờ tối mới có thể kéo xác ra khỏi những lớp bùn đất dày đặc quánh. Tuy phán đoán mọi dòng chảy sẽ đổ về lòng hồ. Song tại tất cả các điểm bản, điểm xã, lực lượng trên bờ vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm, nơi tồn tại khe núi, khe suối, những nơi không chỉ sạt lở đi qua.
“Nạn nhân tìm thấy lần này là bà Hảng Thị Dông, bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, là nạn nhân thứ 5 tìm được tại lòng hồ Khao Mang. Như vậy, tính đến ngày mùng 10/8, Mù Cang Chải vẫn còn 6 người mất tích, 3 người thuộc xã Kim Nọi, 2 người của xã Chế Tạo và 1 người của thị trấn. Lực lượng toàn huyện tiếp tục tìm kiếm. Theo phán đoán của các cụ có kinh nghiệm trong bản, 4 người ở Chế Tạo và Kim Nọi có thể mất tích về phía tỉnh Sơn La, khi nhiều dòng chảy của lũ quét đã tràn về phía triền núi bên đó. Một người vẫn có khả năng mất tích ở hồ Khao Mang. Chỉ mong tìm được trong một vài ngày tới”- Bí thư Huyện ủy Giàng A Tông chia sẻ.
Mưa chiều nặng hạt ập xuống. Nước mắt người thân nhạt nhòa trong lễ tiếp nhận thi thể bà Dông. Xã Kim Nọi yên ắng và lạnh lẽo. Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Sàng cùng bà con trên bản tích cực làm đám ma cho gia đình người xấu số khi thi thể đã có dấu hiệu phân hủy. 1 giờ đồng hồ trong im lặng và đau xót. Trời tối hẳn.
Xã Kim Nọi nằm cheo leo trên triền núi, cách huyện lị Mù Cang Chải hơn 4km. Xã có 6 bản, 100% dân số là người Mông, sống tập tục xung quanh các khe suối. 100% bám rừng, làm ruộng. Cơn lũ quét lịch sử đã khiến 6 người chết và mất tích, gần chục ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn. Đường sá, công trình thủy lợi bị phá hủy. Hoa màu, thảo quả, lúa còn lại ngót khoảng 20-30%. Nhiều vật dụng bị cuốn trôi. Cuộc sống đảo lộn sau cơn lũ.
Bí thư Sàng cho biết, cơn lũ quét ngày 3/8 ập qua xã được coi là cơn lũ lịch sử từ trước đến nay. Theo các cụ trong làng, nếu như năm Đinh Tỵ 1977, lũ về Mù Cang Chải và Kim Nọi chỉ là nước dâng, quét mạnh theo khe, thì nay lũ về bất ngờ, quét từ mọi hướng. Nước ục từ trên Trời, bủa vây khe Háng Chú, tiếng Kinh là khế Hổ và khế Là Phù Khơ, khe cá suối, ập qua làng về xuôi. Nếu như lũ quét ập phía bên này của khế Là Phù Khơ, khe nước to nhất xã thì hậu quả của toàn Kim Nọi sẽ nặng nề hơn nữa. Mày rủ Trời thương, lũ quét ập về phía bên kia khẽ La Phu Khơ, chảy vào đất Sơn La. Sông Trời thương bên này, bên kia càng thảm trọng. Nghe đài báo nói, Sơn Là cũng có nhiều người chết và mất tích, thiệt hại về người và của lớn hơn rất nhiều so với Yên Bái.
Nơi trước đây vốn là đất núi giờ đã thành hố nước.
Chúng tôi đến nhà bà Sùng Thị Cở, bản Kháo Giống. Nhà bà Cở có 8 khẩu. Đến nay bà Cở vẫn còn hãi hùng trước cơn lũ quét. Bà kể, lũ về nhanh lắm. Gà gáy sáng, lúc đầu bà nghe thấy tiếng ầm ầm ở phía trên đỉnh núi. Bà tưởng sấm, nhưng rồi thấy đất rung chuyển, mấy nhà đầu khe trôi tuồn tuột. “Đề Lu”, tiếng Mông là lũ, ai đó gọi gấp gáp, rồi xối xả, la hét. Mưa to, bà chỉ biết gọi con cháu chạy lên nền đất cao. Bản thân cậu con trai 16 tuổi cũng không cách nào thấy được. Nó cùng bạn chăn trâu trên núi 4 ngày nay. Đêm qua không về. Lũ quét ập vào chỉ khoảng 20 -30 phút. Trời đã sáng.
Con trai của bà Cở và 3 cậu bạn chăn trâu là 4 trong 6 trường hợp chết và mất tích của xã Kim Nọi đang được các lực lượng nỗ lực tìm kiếm. Hiện còn 3 người chưa tìm thấy. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kim Nọi Mùa A Tòng bảo, bình thường, 4 đứa trẻ chăn trâu này tối chăn trâu xong là về nhà. Tuy nhiên hôm đó, có lẽ là số phận, chúng lại ở lại trên lán tạm dựng trên núi để chơi. Lũ quét tràn nhanh, nhiều khả năng, chúng theo dòng bên kia sang Sơn La bị mất tích. 8 ngày nay, ngày nào hơn 100 người của xã phối hợp cùng lực lượng huyện cũng cật lực tìm kiếm khắp các hang cùng khe hẻm. Nhiều khe sâu hàng chục mét phải chằng dây để xuống. Biết đâu, lũ trẻ bị kẹt trong khe nước nào đó, chờ người tới cứu. Hy vọng là thế.
Trong khó khăn thì những hy vọng vẫn được nhen lên dù là nhỏ bé nhất. Điều đó không chỉ thấy ở Kim Nọi, mà có thể ở cả Lao Chải, Dế Xu Phình, Mồ Dề, La Pán Tẩn hay xã Chế Tạo. Thảm họa dù lớn nhưng tình người trong muôn khó không bao giờ thay đổi.
Đó phải chăng là những giản dị từ bữa cơm của những gia đình mất nhà được xã Kim Nọi tạm thời cho ở tạm ngoài trường học. Đó là những quyết tâm đến cùng của những chiến sĩ dầm mưa căng dây trói mình lặn xuống hồ tìm người mất tích. Đó là những hạt gạo tình thương, những phần quà đến muộn, ấm tình người tứ xứ… Nỗi đau hẳn đã dần nguôi...