Nỗi bất an của người di cư Afghanistan

Mai Phương 02/11/2023 07:20

Hàng triệu người di cư Afghanistan không có giấy tờ tùy thân ở Pakistan buộc phải hồi hương trong tình trạng chưa biết sẽ làm gì để sống.

Người di cư Afghanistan lo lắng cho cuộc sống của mình ở quê nhà. Ảnh: Reuters.

Ngày 1/11, hạn chót chính phủ Pakistan đặt ra cho những người di cư Afghanistan không có giấy tờ tùy thân rời khỏi nước này, Muhammad Rahim buộc phải lên xe buýt từ Karachi đến biên giới Afghanistan.

Rahim - gốc Afghanistan, sinh ra ở Pakistan, kết hôn với một phụ nữ Pakistan và nuôi dạy những đứa con gốc Pakistan, nhưng không có giấy tờ tùy thân do chính quyền Pakistan cấp – cho biết: “Chúng tôi sẽ sống ở đây cả đời nếu không bị buộc phải hồi hương”.

Khoảng 60.000 người Afghanistan đã trở về từ Pakistan từ ngày 23/9 đến 22/10. Chính phủ Pakistan thông báo hôm 4/10 rằng họ sẽ trục xuất những người di cư không có giấy tờ tuỳ thân. Theo người phát ngôn Bộ Tị nạn Afghanistan Abdul Mutaleb Haqqani, số người hồi hương hằng ngày gần đây cao gấp ba lần so với bình thường.

Gần khu vực Sohrab Goth ở Karachi, nơi có một trong những khu định cư người Afghanistan lớn nhất Pakistan, một nhân viên điều hành dịch vụ xe buýt tên Azizullah cho biết, anh đã bố trí thêm xe cộ để đáp ứng nhu cầu của làn sóng những người di cư.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Mumtaz Zahra Baloch cho biết, kế hoạch trục xuất tuân thủ các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế. Theo chính phủ ở Islamabad, Pakistan là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người di cư và tị nạn Afghanistan, trong đó khoảng 1,7 triệu người không có giấy tờ hợp lệ.

Lời đe dọa trục xuất được đưa ra sau các vụ đánh bom tự sát trong năm nay chính phủ Pakistan cho là có liên quan đến người Afghanistan. Islamabad cho rằng người gốc Afghanistan liên quan đến các hoạt động buôn lậu và các cuộc tấn công phiến loạn.

Pakistan đang thiếu tiền mặt do phải đối mặt với tình trạng lạm phát kỷ lục. Đại diện chương trình cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, những người di cư không giấy tờ đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của Pakistan trong nhiều thập kỷ.

Theo các tổ chức di cư quốc tế, vào đầu tháng 9, trung bình mỗi ngày có 300 người vượt biên từ Pakistan sang Afghanistan. Sau khi Islamabad công bố thời hạn ngày 1/11, số lượng người vượt biên tăng lên khoảng 4.000 mỗi ngày. Những đây vẫn là phần nhỏ so với số người bị ảnh hưởng theo quyết định của chính phủ Pakistan. Chính quyền tỉnh Balochistan - giáp biên giới Afghanistan - cho biết, họ đang mở thêm ba cửa khẩu biên giới.

Tương lai bất định

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sarfaraz Bugti cảnh báo, các cơ quan thực thi pháp luật bắt đầu xử lý "những người nhập cư không có lý do chính đáng" ở Pakistan sau ngày 31/10. Những người này sẽ được gom về "các trung tâm giam giữ" và sau đó bị trục xuất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan khẳng định, phụ nữ, trẻ em và người già sẽ được tôn trọng. Ông Bugti cảnh báo, công dân Pakistan giúp những người di cư bất hợp pháp qua mặt các cơ quan chức năng sẽ bị xử lý.

Cao ủy về người tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, kế hoạch của chính phủ Pakistan tạo ra "rủi ro nghiêm trọng" đối với phụ nữ và trẻ em gái bị buộc phải rời đi. Những hạn chế ở Afghanistan khiến cơ hội việc làm cho phụ nữ ở đất nước này bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, theo những người ủng hộ người di cư, mặc dù Pakistan không nhắm mục tiêu vào những người Afghanistan có tư cách pháp nhân, nhiều người có giấy tờ hợp pháp cũng cảm thấy mình bị nhắm tới.

Dữ liệu của UNHCR cho thấy, 14.700 người Afghanistan được ghi nhận rời Pakistan tính từ đầu năm đến ngày 18/10, gấp đôi so với 6.039 người của cả năm ngoái. 78% người Afghanistan hồi hương cho rằng, họ chủ động rời đi vì sợ bị bắt ở Pakistan.

Có hơn 2,2 triệu người di cư Afghanistan ở Pakistan với một số loại giấy tờ được chính phủ công nhận quyền cư trú tạm thời. Khoảng 1,4 triệu người trong số họ có giấy phép hết hạn ngày 30/6, khiến họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Nhiều người Afghanistan có giấy tờ hợp pháp cho biết, họ cảm thấy buộc phải ra đi vì không muốn phải xa cách các thành viên trong gia đình không có giấy tờ.

Hajira - góa phụ ở Sohrab Goth – cho biết, bà và hai trong bốn con trai có quyền ở lại Pakistan, hai người còn lại thì không. Vì vậy, bà dự định hồi hương cùng gia đình các con trai.

Majida, 31 tuổi sinh ra ở Pakistan, sống cùng chồng và sáu đứa con trong một khu chung cư ở Sohrab Goth cho biết, dù gia đình có thẻ cư trú, nhưng khi cô đổ bệnh hồi đầu tháng 10, chồng cô không dám đi mua thuốc vì sợ bị bắt giữ. “Chúng tôi không có nhà hoặc công việc ở Afghanistan. Rõ ràng, chúng tôi coi Pakistan như quê hương vì đã sống ở đây rất lâu rồi” - cô Majida nói.

Trở lại Afghanistan, dòng người di cư và tị nạn gây áp lực lên các nguồn lực vốn đã hạn chế của đất nước. Afghanistan đang hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế đối với lĩnh vực ngân hàng, viện trợ nước ngoài bị cắt giảm sau khi phe Taliban tiếp quản đất nước.

Bộ Người tị nạn Afghanistan dự định lập danh sách những người hồi hương, sau đó đưa họ vào các trại tạm thời. Chính quyền Taliban cho biết sẽ cố gắng tìm việc làm cho những người trở về.

Theo Ngân hàng Thế giới, cho đến tháng 6/ 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở Afghanistan tăng gấp đôi so với giai đoạn ngay trước khi Taliban tiếp quản. Khoảng 2/3 dân số đang cần viện trợ nhân đạo.

Ông Samar Abbas thuộc Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền Sindh – tổ chức đang giúp đỡ 200 người Afghanistan - cho biết, bất chấp những thách thức mà người di cư phải đối mặt, Pakistan là ngôi nhà duy nhất mà nhiều người trong số họ biết đến và là nơi trú ẩn trước những yếu kém kinh tế và chủ nghĩa bảo thủ cực đoan đang thịnh hành tại Afghanistan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi bất an của người di cư Afghanistan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO