Mấy hôm nay, cựu tuyển thủ đá cầu Nguyễn Huyền Trang lại phải nằm BV Ung bướu Hà Nội để được chiếu xạ và truyền hóa chất. Cô đã bước vào cấp độ 4 ung thư vú, di căn xương. Lần này, 2 chân Trang tê dại rồi mất hết cảm giác và khả năng vận động…
Vận động viên Nguyễn Huyền Trang những ngày điều trị
tại BV Ung Bướu Hà Nội trong sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ BV và cha mẹ đẻ của mình. (Ảnh: TNK).
1. Ths.Bs Hán Thị Bích Hợp - Phó Trưởng phòng KH TH, người trực tiếp điều trị cho Trang dẫn chúng tôi sang thăm Trang. Thấy chúng tôi bước vào, Trang vội gắng gượng ngồi dậy nhưng chân cứ thẳng đuỗn ra. Thấy vậy, bà Bái - mẹ đẻ của Trang vội chạy lại đỡ con. Nhưng cô cũng chỉ ngồi được một lát rồi lại phải nằm xuống vì còn rất mệt. “Đêm đêm giấc ngủ của cháu không sâu, chỉ chừng hơn 2 tiếng đồng hồ lại thức dậy trở mình” - Trang tâm sự. Những lúc ấy trước đây em thường hay khóc một mình.
Bất cứ ai được chứng kiến hoàn cảnh của người cựu vận động viên quốc gia, đã tham gia thi đấu quốc tế là Nguyễn Huyền Trang hôm nay đều không thể dằn lòng được. Quá khứ đối với cô vinh quang bao nhiêu thì hôm nay cô đang trở nên bất hạnh bấy nhiêu. Căn bệnh ung thư đang hành hạ cô từng phút, từng giờ. Phải nằm một chỗ, tất tật đều cần sự giúp đỡ từ người khác. Từ mấy năm nay ốm đau, Trang không còn chỗ nào nương tựa nữa ngoài những người thân sinh ra mình và cậu em trai. Cuộc chiến đấu với bệnh tật của Trang từ nay khó có thể nói khi nào là điểm dừng, chỉ biết rằng nó thực sự cam go, ác liệt trong khi cô còn rất trẻ, mới tuổi 30.
2. Sinh ra và lớn lên ở phố Cát Linh, ngay gần Trung tâm thể thao Hà Nội trên phố Trịnh Hoài Đức, từ khi còn đang là học sinh Trường THCS Cát Linh, Trang được các HLV chọn vào đội tuyển đá cầu Hà Nội. Đó là khi cô vừa tròn 14 tuổi.
Mẹ Trang kể, từ nhỏ Trang đã được bố mẹ cho đi học karatedo, sau đó là chơi đá cầu nghiệp dư để tăng cường sức khỏe. Khi Trang được chọn vào đội đá cầu Hà Nội, gia đình rất vui mừng. Nhưng ngày tháng trôi đi, cùng với niềm vui đó, nỗi lo cho tương lai sau này của Trang cũng lớn dần trong bà. Nhìn gia cảnh những đứa trẻ khác từng đoạt giải này giải nọ trong nước, ngoài nước vẫn không thoát khỏi cảnh kiếm sống lận đận về sau, nhiều lần bà đã tự tay ném giày Trang đi nhưng do đam mê trỗi dậy, cô vẫn theo nghiệp đá cầu. Để rồi…
Từ năm 2000 - 2007, Nguyễn Huyền Trang liên tục là trụ cột của đội tuyển đá cầu Hà Nội và đội tuyển quốc gia (ĐTQG) VN. Cô giành được nhiều huy chương, trong đó có thể kể đến những thành tích chói sáng như 2 HCV nội dung đồng đội nữ và đôi nữ tại SEA Games 22 tổ chức tại Hà Nội; 2 HCV thế giới nội dung đôi nữ đá cặp với các VĐV Nguyễn Thị Thanh Nga, Hoàng Thị Hải tại Giải vô địch thế giới năm 2005 và 2007… Huyền Trang còn là một ngôi sao nổi tiếng vì khuôn mặt xinh đẹp, khả ái trong làng thể dục thể thao.
3. Ngày phát hiện có khối u trên ngực, gia đình đưa Trang đến một BV để làm xét nghiệm. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy đó là khối u lành. Nhưng đến năm 2013, Trang đau lưng nhiều, đi lại khó khăn. Gia đình đưa cô vào BV Trung ương Quân đội 108 điều trị. Tại đây Trang được chẩn đoán bị viêm đa khớp cột sống, lao xương.
Khi mổ năm 2014, các bác sĩ cho làm sinh thiết mới hay Trang bị ung thư vú từ trước đó, nay di căn vào xương. Bệnh tình của Trang cứ thế nặng dần lên nên đến tháng 5-2015, cô không đi lại được nữa vì bị liệt nửa người bên dưới, phải nhập BV Ung bướu Hà Nội điều trị. Nhưng đó không phải là rủi do duy nhất trong đời cô.
Năm 2007 giải nghệ đá cầu. Năm 2008 cô lập gia đình và có được 2 con thì hôn nhân tan vỡ, vợ chồng mỗi người nuôi một đứa con. Kể từ khi phát hiện bị ung thư, Trang buộc phải dứt ruột gửi con cho chồng cũ nuôi.
Nhìn vóc dáng còn phảng phất hồng nhan, trẻ trung của cô, những bậc làm cha, làm mẹ như người viết bài này một lần nữa khi hay chuyện này lại ái ngại xót xa. Xót xa hơn khi được biết từ chính cô, chưa bao giờ được Nhà nước chu cấp mua cho BHYT, ngay cả hồi còn được gọi vào đội tuyển quốc gia, đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Cô phải vào đây nằm theo BHYT tự nguyện.
“Lúc thi đấu ở Hà Nội cháu chỉ nhận được lương 1,05 triệu đồng/tháng, lên ĐTQG thì khá hơn” - cô tâm sự. Năm 2004, lúc còn đang là VĐV ĐTQG, chuẩn bị dự giải thế giới, Trang bị mổ ruột thừa và gia đình cô đã phải bỏ tiền túi của mình ra chữa trị cho con. Năm 2014, lúc phải mổ lưng hết hơn 100 triệu đồng cho Trang, gia đình cũng phải tự vay mượn trả viện phí vì không có BHYT. “Thể thao bạc lắm, không chỉ Trang, nhiều cháu cùng lứa đội tuyển đá cầu với Trang giờ cũng chẳng có công ăn việc làm gì, đứa bán xôi, đứa bán nước” - mẹ Trang tâm sự trong nước mắt.
Chia tay Huyền Trang, tôi cứ nắm mãi bàn tay, lòng dâng lên cảm xúc như mình đang có lỗi với cô. Vâng! Chúng ta cần phải làm một cái gì đó giúp đỡ vận động viên quốc tế đá cầu Nguyễn Huyền Trang.