Khởi đầu trận đấu với thế công lấn lướt, sớm có bàn thắng mở tỷ số và dồn ép đối thủ đến nghẹt thở suốt 45 phút đầu tiên, nhưng Argentina đã thực sự bế tắc khi trận đấu không diễn ra theo ý của họ.
Nhìn vào sự tự tin và thoải mái của dàn sao Argentina, đặc biệt là phát biểu “đang rất hạnh phúc và sẽ tận hưởng từng khoảnh khắc ở kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp” của Messi, không ai nghi ngờ về một chiến thắng hoàn hảo dành cho Al Bicelestes. Thế trận trong hiệp một cũng đi theo chiều hướng lạc quan ấy.
Sau bàn thắng trên chấm penalty của Messi, Argentina khiến đối thủ hầu như không được chơi bóng trong 45 phút đầu, thậm chí Saudi Arabia không tung ra nổi bất kỳ cú sút nào. Messi cùng đồng đội áp đảo toàn diện đối phương và nếu không có sự can thiệp của công nghệ VAR cùng phát hiện việt vị bán tự động, Argentina đã có thêm 2 bàn thắng. Theo OptaAnalyst, Argentina đã bị bắt việt vị 7 lần trong trận đấu này. Đội gần nhất có nhiều lần việt vị hơn trong một trận đấu tại World Cup là Hà Lan (gặp Costa Rica vào năm 2014) với 13 lần việt vị.
Đội bóng của HLV Lionel Scaloni lẽ ra đã sớm an bài trận đấu ngay trong hiệp một, nhưng sự thiếu chỉn chu trong những pha dứt điểm khiến họ phải trả giá đắt. Đội bóng áo sọc xanh trắng chỉ có thể tự trách mình vì nếu cẩn thận hơn một chút, họ có thể đã dẫn trước 5-0 sau giờ nghỉ giải lao.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, thế trận đã thay đổi chóng mặt chỉ sau 5 phút hiệp hai, với hai bàn thắng liên tiếp của Al-Shehri (phút 49) và Al Dawsari (phút 53), giúp Saudi Arabia lật ngược thế cờ, dẫn lại 2-1. Nên nhớ, sau hai bàn thua, Argentina có tới 40 phút để tìm kiếm bàn gỡ, thậm chí giành chiến thắng, nhưng đội quân HLV Scaloni lại thiếu sự điềm tĩnh và chính xác trước khung thành đối phương.
Họ chỉ biết dồn bóng cho Messi và Di Maria thực hiện những quả tạt vào vòng cấm, giúp hàng thủ Saudi Arabia dễ dàng cản phá. Bóng bổng chưa từng là thế mạnh của Argentina. Họ thậm chí còn là đội bóng có chiều cao trung bình khiêm tốn thứ 2 ở World Cup 2022, với chỉ số 1m79. Cặp tiền đạo Lautaro Martinez (1m75) và Julian Alvarez (1m70) rõ ràng yếu thế hơn hẳn hai trung vệ Ali Al Bulayhi và Hassan Al Tambakti (đều cao 1m82) trong những pha không chiến, chưa kể sự bọc lót của tiền vệ trung tâm Mohamed Kanno (cao 1m92).
Ngoài ra, việc HLV Scaloni đưa tới 4 cầu thủ bên kia sườn dốc sự nghiệp, đều trên 34 tuổi vào đội hình xuất phát (Lionel Messi, Nicolas Otamendi, Angel Di Maria và Papu Gomez), thậm chí không thay bất kì vị trí nào trong số này, cũng khiến Argentina hụt hơi trong hiệp hai. Rõ ràng, HLV Scaloni sẽ là cái tên bị người hâm mộ quê nhà chỉ trích nhiều nhất sau “cơn địa chấn” mang tên Saudi Arabia, khi ông không có bất cứ phương án khả dĩ nào để khai thông thế bế tắc cho Argentina trong hiệp hai.
Thất bại trước Saudi Arabia là trận thua đầu tiên của Argentina trong trận mở màn qua các kỳ World Cup kể từ Italy 1990, khi họ bị Cameroon hạ gục 0-1. Với những ai lạc quan, viễn cảnh lặp lại lịch sử sẽ là niềm tin để họ tiếp tục chờ đợi ở Al Bicelestes, bởi tại World Cup 1990, Argentina của Diego Maradona vẫn vào tới chung kết, giành ngôi á quân sau thất bại 0-1 trước Đức.
Cuối cùng, cộng đồng người hâm mộ túc cầu đều “dậy sóng” sau trận thua của Argentina trước Saudi Arabia, và cho rằng đây là cơn địa chấn lớn nhất lịch sử World Cup. Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ, khi Pháp thua Senegal năm 2002 với tư cách nhà đương kim vô địch, Italy thua Triều Tiên năm 1966 hay Anh thua tân binh mới nổi Mỹ năm 1950, thất bại của Argentina chưa hẳn là một cú sốc lớn.
Điều cần làm với Argentina lúc này là hướng tới các trận đấu còn lại ở bảng C World Cup 2022, với Ba Lan và Mexico sắp tới. Giới chuyên môn và thậm chí các “nhà cái” châu Âu vẫn tin rằng họ sẽ dễ dàng giành quyền vào vòng loại trực tiếp, dù sau khởi đầu không như mong đợi.