Thời gian qua, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương mang lại những kinh nghiệm quý và là động lực cho các địa phương khác vươn lên.
Tại Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong 25 năm qua là rất nổi bật. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người hiện nay đạt gần 7.000 USD/người/năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 103 lần sau 25 năm. Đây là một kỳ tích đối với một tỉnh có ít tài nguyên thiên nhiên, không có sân bay cũng như không có cảng biển.
Theo ông Thắng, tỉnh Bình Dương là nơi “đất lành chim đậu”, là địa phương có sức hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực có kỹ năng. Bình Dương cũng là điểm đến của các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, là trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, là số ít các địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất “tỷ đô”. Mới đây, Tập đoàn Lego đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại nhất thế giới với công nghệ trung hòa các - bon đầu tiên của họ với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương cho thấy, tỉnh là một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp thế giới.
Chia sẻ quan điểm, PGS TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: "Bình Dương là một kỳ tích của Việt Nam về phát triển kinh tế, công nghiệp hoá".
Ngay sau khi tách tỉnh, Bình Dương có 2 thay đổi quan trọng là xây dựng khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) kiểu mới, hiện đại và thông minh. Đây là sáng kiến phát triển quan trọng có từ sự hợp tác giữa Việt Nam và Singapore, được vận hành từ sớm, là một hình mẫu thành công. Bên cạnh đó, Bình Dương đột phá cải cách: xin cơ chế chứ không xin tiền - ông Thiên cho biết, 2 thay đổi của tỉnh Bình Dương là 2 đột phá đúng nghĩa, nhằm vào hai tuyến "trục" của quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam - mở cửa hội nhập quốc tế. “Những thành tích trên của Bình Dương mang bóng dáng của một kỳ tích phát triển. Và chỉ có thể giải thích nó bằng việc Bình Dương đã kiên trì theo đuổi thực thi một chiến lược phát triển thông minh, dựa chủ yếu vào cách tiếp cận đột phá, hướng tới đổi mới sáng tạo không ngừng và tiến vượt” – ông Thiên nói.
Bên cạnh những thành tựu được xem là cơ bản, các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự hội thảo cũng chỉ ra, sau 25 năm phát triển tỉnh Bình Dương vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, cũng như đã và đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững. Các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn chưa tương xứng với tiềm năng hiện tại; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; sự liên kết giữa DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN trong nước chưa được như kỳ vọng…