Tai nạn đuối nước ở trẻ em đã và đang gây bức xúc. Mùa hè đến, tai nạn đuối nước ở trẻ em lại nhiều lên. Cho dù chúng ta vẫn nói công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em đã có chuyển biến tích cực, song những cái chết thương tâm thì vẫn còn đó. Làm gì để mỗi mùa hè đến không còn nỗi lo đuối nước ở trẻ em vẫn là câu hỏi đặt ra với cộng đồng.
Liên tiếp các vụ tai nạn gây thương tích trẻ em xảy ra trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Chỉ tính riêng số học sinh bị đuối nước tử vong cũng lên đến con số đáng báo động.
Những cái chết quá đau lòng
3h chiều 29/6, 5 học sinh (HS) lớp 8A5 Trường THCS Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đến suối Liên Khương tắm. Cả 5 em đều bị nước cuốn, 2 em may mắn thoát nạn còn lại 3 em bị đuối nước.
Trước đó, ngày 28/6, tại Hải Phòng, một HS lớp 1 đuối nước dẫn đến tử vong. Cụ thể, em đi đi bơi cùng bố và anh trai tại bể bơi trong khu ký túc Trường Đại học quản lý và công nghệ Hải Phòng. Trong khi bố và anh trai bơi ở bể dành cho người lớn thì P. bơi ở bể dành cho trẻ em. Sau khi xuống bể, P. di chuyển từ bể bơi của trẻ em sang bể bơi của người lớn tìm bố và anh thì bị đuối nước. Khi đó bể bơi có nhiều người nhưng không ai biết em bị đuối nước.
Trước nữa, ngày 20/5, 2 nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Bất Bạt (Hà Nội) ra sông Đà tắm đã không may trượt chân xuống vùng nước sâu, bị đuối nước. Điều đáng nói, khi phát hiện 2 cháu đuối nước thì người dân cứu vớt ngay, nhưng do 2 em bị xoáy vào khu vực nước sâu khoảng 4m nên người dân không cứu được. Được biết, khu vực này vào buổi chiều thường có rất nhiều người dân trong khu vực ra tắm.
Ngày 21/5, một HS nữ bị đuối nước ở khu vực cầu sắt Lai Phước (phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Ngay lúc đó người dân đã nghe thấy tiếng kêu cứu của em nhưng khi tìm được người biết bơi đến hỗ trợ thì em đã mất tích…
Ngày 23/5 trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong. Cũng trong ngày hôm đó, tại Quảng Nam, nhóm HS gồm 6 em (học sinh lớp 12, Trường THPT Cao Bá Quát, huyện Núi Thành) rủ nhau đi tắm phía dưới đập thủy lợi Phú Ninh. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày thì 2 em HS trong nhóm bị đuối nước.
Sau đó 1 ngày tại 2 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước, khiến 4 em nhỏ tử vong. Tại Đà Nẵng, ngày 27/5, một nam sinh 15 tuổi trú tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang bị đuối nước, mất tích khi đi cùng nhóm bạn tắm sông Yên.
Thay đổi nhận thức để phòng tránh
Trên đây chỉ là một số thống kê qua các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh còn trên thực tế, còn nhiều vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân là trẻ nhỏ xảy ra trên phạm vi cả nước. Thậm chí có vụ HS biết bơi, tắm ở hồ bơi vẫn bị chết đuối do không có kỹ năng thoát hiểm.
Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối nước (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%.
Theo các chuyên gia y tế, các vụ tai nạn đuối nước diễn ra do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa này chiếm 33% trên tổng số vụ tai nạn.
Một nguyên nhân khác gây đuối nước ở trẻ em là tỉ lệ trẻ biết bơi và có kĩ năng an toàn trong môi trường nước thấp. Thực tế đã ghi nhận những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình…
Chưa kể, tại nhiều địa bàn, môi trường sống xung quanh của trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước khi ao hồ, sông suối… rất nhiều quanh nhà.
Nguyên nhân đã được chỉ ra song để tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ nhỏ thì cần sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương cũng như nhận thức từ chính gia đình, người dân xung quanh để ngăn chặn các nguy cơ đuối nước. Chẳng hạn có thể rào chắn xung quanh các khu vực nguy hiểm, nơi sông suối ao hồ, vực sâu… phải có biển cảnh báo và có người giám sát thường xuyên…
Riêng về việc phổ cập bơi cho HS, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, song thực tế việc triển khai vẫn còn rất nhiều điểm đáng bàn. Trong đó, việc triển khai Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn.
Cách sơ cứu tại hiện trường khi trẻ đuối nước
- Nếu trẻ mê: Hồi sức hà hơi thổi ngạt khi còn dưới nước, sau vài nhịp trẻ sẽ đáp ứng, sau đó nhanh chóng đem lên bờ.
- Nếu trẻ mê nhưng còn thở (lồng ngực còn di động): Đặt tư thế nằm nghiêng, nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
- Nếu trẻ ngưng thở (lồng ngực bất động): Thực hiện hồi sức tim phổi (ấn tim, hà hơi thổi ngạt), gọi cấp cứu hỗ trợ.
-Nếu trẻ tỉnh: Mang lên bờ, đặt trẻ nằm ngửa, đầu lưng trên cùng mặt phẳng, nơi khô ráo, thoáng khí, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
Một số cách xử trí sai lầm và làm mất thời gian vàng trong sơ cấp cứu bệnh nhân cần tránh:
- Không sốc nước.
- Không ấn bụng.
- Không hơ lửa.
- Không đặt nạn nhân nằm đầu thấp để nước chảy ra.
(Theo BS Lê Thanh Tuyền- Khoa Hô hấp 1,Bệnh viện Nhi Đồng 2)