Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Kể từ đó, ngày 28/6 hằng năm được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh mái ấm gia đình, cùng nhau xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.
Ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và các cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay trở về.
Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ trong lịch sử, gia đình đối với người Việt Nam là giá trị thiêng liêng. Những khái niệm gia phong, gia giáo theo người Việt đi qua mọi gập ghềnh. Giàu sang phú quý hay là nhọc nhằn thì ai cũng tự hào về gia đình của mình.
Tuy nhiên, theo sự vận động của xã hội, khái niệm gia đình cũng thay đổi. Từ gia đình “tam tứ đại đồng đường” nhiều thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà dần chia thành những “tiểu gia đình”, chủ yếu là hai thế hệ cùng chung sống. Điều này được cho là thách thức đối với nền tảng gia đình truyền thống của người Việt, tuy nhiên nó cũng là sự vận động theo sự phát triển xã hội.
Quan trọng là một “đại gia đình” với nhiều thế hệ hay là “tiểu gia đình” ít thế hệ, nhưng vẫn giữ được ngọn lửa ấm áp trong mỗi gia đình; những giá trị thiêng liêng về gia đình được gìn giữ.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, xin được nói về những thách thức đối với gia đình hiện tại. Đó có lẽ là sự xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của gia đình, của dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại; tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên gia đình, dẫn đến gia đình thiếu ổn định, thiếu bền vững. Có thể nói, sự phân hóa trong mỗi gia đình không chỉ diễn ra trên bình diện mức sống, chi tiêu mà còn ở các khía cạnh khác như hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống... Những quan hệ thiêng liêng trong gia đình đang có nguy cơ bị lấn át bởi sức mạnh của đồng tiền. Từ đó, sự gắn kết và tình cảm thân thiết giữa các thành viên trong gia đình cũng đã khác trước.
Không bi quan nhưng thực tế cho thấy gia đình Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Rõ nhất là việc con cái muốn ở riêng, không muốn ở chung với cha mẹ. Viêc này cũng là bình thường nhưng trong rất nhiều trường hợp con cái đã đẩy cha mẹ già vào cô đơn, phải sống trong những năm tháng cuối đời một cách cô độc, nhiều người còn bị bệnh tật giày vò.
Nhưng thật cao cả khi cha mẹ già bị con cái bỏ rơi nhưng vẫn khoe con cái có hiếu, khoe con thành đạt, giàu có. Cha mẹ nào cũng yêu thương con, đành phải giấu đi nỗi khổ của riêng mình. Trong khi đó con cái nào có biết, chỉ nhăm nhăm lo cho cuộc sống của riêng mình, của con mình mà quên đi cha mẹ. Đó là nỗi buồn thăm thẳm không ai muốn nhắc đến.
Không nhiều quốc gia có Ngày Gia đình như Việt Nam. Ngày Gia đình năm nay lại đến, chúng ta mong rằng những giá trị thiêng liêng, giá trị trường tồn được tôn trọng. Mà cũng không chỉ là Ngày Gia đình, mà bất kể ngày nào trong năm cũng là ngày gia đình, con cái hiếu thảo, luôn nhắc nhau về gia phong, gia quy và luôn tự hào về điều đó như một phẩm chất làm người.