Nỗi lo Hà Bá thời nay

Kiên Long 26/04/2017 08:00

Vụ việc hàng chục ngôi nhà ven sông Vàm Nao (An Giang) bỗng dưng biến mất chỉ trong tích tắc sáng 22/4 đã làm người dân địa phương bàng hoàng lo lắng. Nỗi lo Hà Bá nuốt mất nhà lẫn tính mạng không còn là chuyện trong truyền thuyết nữa mà đã hiển hiện sự thật, khi chính các Hà Bá là cát tặc, hay việc khai thác không theo quy hoạch, gây nên những hậu quả khôn lường.

Khu vực sạt lở bên sông Vàm Nao.

Đúng là chẳng kể người dân ven sông Vàm Nao (An Giang) mà mọi người dân có nhà ở ven sông, có đất đai ruộng vườn ở ven sông từ Bắc chí Nam đều canh cánh trước nỗi lo Hà Bá thời nay.

Thực tế theo thống kê, chỉ với riêng Đồng bằng sông Cửu Long đã có tới hơn 265 điểm sạt lở nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long mất hơn 500 ha đất.

Mỗi năm hơn 500 ha đất đã chui vào miệng Hà Bá, chui vào miệng các con tàu khai thác cát để biến đất thành vàng, thành bạc, chủ yếu chui vào túi cá nhân. Nếu tính cả nước thì con số đất đai, tài nguyên cát khai thác, mất đi sẽ là rất lớn.

Với việc sạt lở đất bờ sông Vàm Nao thuộc ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vừa qua, ngày 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo khắc phục sạt lở, cảnh báo, hạn chế người và phương tiện qua lại khu vực sạt lở; theo dõi, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở…

Cùng với việc khắc phục “phần ngọn” này, về “phần gốc”, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục sạt lở…

Tỉnh An Giang đã mời Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam về khảo sát, tư vấn về giải pháp khắc phục hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả này chẳng thể dễ dàng.

Làm sao nắn được dòng chảy của sông? Như nơi sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông, hố xoáy dài tới 380 mét, ngang 120 mét, sâu âm đến 42 mét, trước mắt, lấy gì để lấp đầy cái hố, cái miệng Hà Bá những gần 2 triệu m3 kia?

Nguyên nhân cụ thể trong vụ sạt lở đất ở Vàm Nao rồi sẽ được các cơ quan chức năng kết luận. Tuy nhiên một nguyên nhân sâu xa, như dư luận và các chuyên gia cho rằng chủ yếu là do sự thay đổi dòng chảy, do sự khai thác cát quá mức.Việc khai thác quá mức đã khiến cho dòng sông tạo nên những dòng nước, hố xoáy lớn, xoáy vào các bờ sông trực diện.

Cũng tại An Giang vài năm trước, Quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú cũng đã bị 3 hố xoáy sâu âm so với lòng sông Hậu từ 18-20 mét nuốt trôi.

Hay hơn 80 mét bờ sông Cần Thơ, đoạn đi qua phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều cũng bị ngoạm sâu vào hàng chục mét. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, trị từ gốc, tình trạng này rồi sẽ liên tục diễn ra.

Trong quá trình phát triển, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, yêu cầu xây dựng càng tăng thì tài nguyên cát càng là nhu cầu thiết yếu của cả xã hội. Đặc thù của nước ta, tỉnh nào, nơi nào cũng có các con sông, con suối, dễ dàng khai thác cát. Cát đã mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn.Tài nguyên cát cũng đã dẫn đến vấn nạn móc ngoặc, hối lộ, bao che...; sự núp bóng đủ các dạng như nạo vét dòng sông, các dự án khai thác hợp pháp dưới việc mua đất, cải tạo đất, và nhất là cát tặc đã như con thiêu thân, ngày đêm đục khoét, chộp giựt ở bất cứ nơi nào có thể. Tài nguyên cát đã bị khai thác quá mức, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn chuyển ra nước ngoài.

Lâu nay, để chống lại nạn cát tặc, chống lại Hà Bá thời nay, chính quyền và nhân dân các địa phương đã cố gắng vào cuộc. Bộ đội biên phòng TP Hồ Chí Minh từng đã phải nổ súng nhiều lần để quyết vây bắt cát tặc trên sông Đồng Tranh (giáp ranh huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Nhân dân nhiều địa phương từng phải lập chòi, phân nhau canh gác, dùng gạch đá, gậy gộc xua đuổi cát tặc. Xung quanh nạn cát tặc, những năm qua, MTTQ Việt Nam cũng đã rất quan tâm, tích cực vào cuộc.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra công tác này. Từ các vụ việc, nhiều vấn đề bất cập, Chủ tịch đã từng chỉ rõ: Vì sao việc khai thác cát không phép diễn ra công khai, trong thời gian dài?

Phương tiện không có giấy chứng nhận kỹ thuật vẫn lưu thông? Người điều khiển phương tiện không có giấy phép vẫn lái tàu và biết cát không rõ nguồn gốc, cát được khai thác trái phép vẫn mua?...

Về giải pháp, Chủ tịch từng yêu cầu:“Phát hiện những phương tiện không có giấy chứng nhận đảm bảo kỹ thuật, tùy theo mức độ để xử lý phạt hành chính cho đến tịch thu và làm rõ trách nhiệm...”.

Thế nhưng, việc xử lý cát tặc, đã và vẫn làm đau đầu các cơ quan chức năng. Khi lực lượng chức năng, chính quyền ráo riết ngăn chặn thì họ hoạt động bí mật, chộp giựt; khi lơi lỏng thì hoạt động ráo riết, công khai. Người dân ở Krông Nô- Đắc Nông, từng đấu tranh chán, mỏi mệt đành phải bán ngay những phần ruộng của mình ở bờ sông cho những kẻ khai thác cát trái phép. Tình trạng khai thác cát tràn lan đã và vẫn diễn ra mọi nơi.

Vấn nạn cát tặc, khai thác cát quá mức đã gây ra hệ lụy làm ảnh hưởng đến hệ thống đê kè, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến cả môi trường sinh thái. Việc sạt lở như ở Vàm Nao là chuyện đương nhiên, những hệ lụy khó có thể khắc phục, hoặc phải khắc phục với nhiều chi phí lớn.

Vấn đề cần phải có những khảo sát, quy hoạch cụ thể các mỏ, các khu vực, lòng sông có thể cho phép khai thác, cần khảo sát, đánh giá mang tính tổng quan, hệ thống, hoàn chỉnh quy định pháp luật, xử lý thật nghiêm, để xiết lại vấn nạn này.

Trong quá trình phát triển, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, yêu cầu xây dựng càng tăng thì tài nguyên cát càng là nhu cầu thiết yếu của cả xã hội. Đặc thù của nước ta, tỉnh nào, nơi nào cũng có các con sông, con suối, dễ dàng khai thác cát. Cát đã mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn. Tài nguyên cát cũng đã dẫn đến vấn nạn móc ngoặc, hối lộ, bao che...; sự núp bóng đủ các dạng như nạo vét dòng sông, các dự án khai thác hợp pháp dưới việc mua đất, cải tạo đất, và nhất là cát tặc đã như con thiêu thân, ngày đêm đục khoét, chộp giựt ở bất cứ nơi nào có thể. Tài nguyên cát đã bị khai thác quá mức, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn chuyển ra nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo Hà Bá thời nay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO