Quốc tế

Nỗi lo quá tải du lịch

Hà Anh 17/07/2024 10:28

Nhiều thành phố trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa doanh thu du lịch nhằm duy trì cuộc sống yên bình của người dân.

anhbaitren(1).jpg
Biển báo yêu cầu du khách giảm tiếng ồn trong khu dân cư ở làng Bukchon lịch sử của Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: CNN.

Bảo vệ không gian lịch sử

Khi vấn đề du lịch quá mức lan rộng khắp các thành phố và quốc gia trên thế giới, chính quyền Hàn Quốc đã công bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo vệ một khu làng truyền thống ở trung tâm thành phố Seoul khỏi đám đông khách du lịch.

Nổi tiếng với những ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc đẹp như tranh vẽ và được bảo tồn tốt mang tên “hanok”, Làng Bukchon Hanok là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Seoul, thu hút hàng nghìn du khách mỗi ngày. Tuy nhiên, việc số lượng khách du lịch đông hơn người dân và những lời phàn nàn về tiếng ồn, rác thải và các vấn đề riêng tư ở khu vực lân cận đã leo thang trong những năm qua.

Tọa lạc tại quận Jongno ở trung tâm thành phố Seoul, Bukchon nằm gần các địa danh văn hóa khác như đền thờ tổ tiên hoàng gia Jongmyo và các cung điện lớn như Cung điện Kyungbokgung và Changdeokgung.

Trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng và kiểm soát đám đông, các quan chức quận sẽ bắt đầu hạn chế khách du lịch đến ngôi làng nổi tiếng này từ đầu tháng 10 năm nay. Nó sẽ được chỉ định là “khu vực quản lý đặc biệt” đầu tiên của đất nước theo Đạo luật Xúc tiến Du lịch của Hàn Quốc.

Các quan chức quận Jongno cho biết, lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt đối với người không cư trú sẽ được tăng cường hàng ngày từ 5 giờ chiều đến 10 giờ sáng. Xe buýt chở khách du lịch sẽ bị hạn chế ở một số đoạn đường/khu phố với mục đích giảm bớt lưu lượng giao thông và giúp Bukchon “vững chân” trước làn sóng du khách đổ vào ngày một đông.

3 vùng được mã hóa màu (đỏ, cam và vàng) cũng sẽ được chỉ định để cho phép chính quyền địa phương kiểm soát và giám sát đám đông ở những khu vực đông dân cư nhất. Các quan chức cho biết, tiền phạt cũng sẽ được áp dụng đối với những người vi phạm. Sau những lời phàn nàn của người dân, các biển báo bằng 4 thứ tiếng cảnh báo khách du lịch về mức độ tiếng ồn đã được lắp đặt vào năm 2018.

Khu vực này từng là khu dân cư dành cho các quan chức cấp cao và quý tộc trong thời đại của các vị vua Joseon - cai trị Hàn Quốc từ những năm 1300 cho đến năm 1910. Ngày nay, khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 6.000 cư dân cũng như các cơ sở kinh doanh như nhà trọ, cửa hàng thủ công và quán cà phê với một số điểm chụp ảnh nổi tiếng.

Tuy nhiên, một số người sống và làm việc trong khu vực đã bác bỏ các biện pháp mới và coi đó là “những lời nói suông”. Chủ quán cà phê Lee Youn-hee cho biết, du khách thường rời đi sau khi mặt trời lặn vì họ chủ yếu đến đây để chụp ảnh. “Vào mùa đông, du khách về trước 5 giờ chiều và trong mùa hè có thể trước 6 giờ chiều” - anh Lee nói.

Vấn đề đang gia tăng trên toàn cầu

Nhưng Seoul không đơn độc trong vấn đề này. Nhiều thành phố trên toàn cầu đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa doanh thu du lịch rất cần thiết và việc duy trì cuộc sống yên bình của người dân bản xứ.

Trong tuần trước, khách du lịch đến thăm Barcelona đã bị xịt nước bởi những người biểu tình diễu hành qua các khu vực nổi tiếng để phản đối hoạt động du lịch ồ ạt trong thành phố. Trong khi đó, thành phố đầm phá Venice của Italy đã đưa ra một khoản phí thí điểm vào tháng 4 để hạn chế số lượng người đi lại trong ngày.

Du lịch quá mức từ lâu đã là một vấn đề ở Nhật Bản, với tình hình xấu đi nhanh chóng kể từ khi nước này mở cửa trở lại sau đại dịch. Các sườn núi Phú Sĩ chứng kiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng, chân đồi ngập rác cũng như hành vi xấu của du khách.

Khách du lịch mất kiểm soát là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Kyoto, một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất Nhật Bản, với quận geisha Gion mang tính biểu tượng. Các báo cáo về “geisha paparazzi” (săn ảnh geisha) đã khiến dư luận phẫn nộ và buộc các quan chức thành phố phải hành động.

Để giải quyết vấn đề này, một số nước đã ban hành quy định đánh thuế hoặc thu phí ở những điểm quá tải. Giới chức Barcelona (Tây Ban Nha) đã tăng thuế lưu trú vào ban đêm từ tháng 4/2023, trước đó quy định áp dụng lần đầu vào năm 2012 tùy theo loại chỗ ở. Chính quyền Rome (Italy) đã hạn chế người ngồi tại các địa điểm nổi tiếng. Ngoài ra, cũng có một số quy định nhằm mục tiêu tương tự như tăng phí đỗ xe vào mùa cao điểm, tăng giá vé, phân luồng ra vào theo giờ.

Trở lại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, theo dữ liệu của chính phủ, khoảng 6,6 triệu khách du lịch trong và ngoài nước được cho là đã đến thăm Bukchon vào năm 2023. Anh Sindere Schoultz, một du khách đến từ Thụy Điển cho biết: “Tôi nghĩ điều quan trọng là du khách phải tôn trọng người dân. Chúng tôi muốn đến đây và vui vẻ chứ không muốn dẫm lên chân cuộc sống của người khác và tỏ ra thiếu tôn trọng”.

Thuật ngữ “quá tải du lịch” xuất hiện trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ ra tình trạng số lượng du khách gây thiệt hại cho các thành phố, địa danh và cảnh quan. Sự tăng trưởng quá mức của khách du lịch dẫn đến tình trạng quá đông người tại những khu vực mà dân cư phải chịu hậu quả của cao điểm du lịch tạm thời và theo mùa, ép buộc họ phải vĩnh viễn thay đổi lối sống, quyền sử dụng các tiện nghi và sức khỏe toàn diện chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo quá tải du lịch