Sau những trận mưa lớn, kéo dài nhiều địa phương ở Nghệ An lại đối mặt với nguy cơ sạt lở. Không chỉ ở huyện Kỳ Sơn - nơi vừa xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, mà các khu vực miền xuôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thực trạng này đã khiến người dân hoang mang, trong khi chính quyền đau đầu tìm giải pháp di dân, tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân.
Lũ đi… sạt lở đến
Sau gần 2 tuần chứng kiến trận lũ quét lịch sử, gia đình ông Vi Nho Thành, trú tại bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vẫn phải tá túc nhà người dân trong bản, chưa thể về nhà. Bởi, trận lũ quét vừa qua không chỉ khiến ngôi nhà ông bị hư hại mà còn làm cho con đường chạy phía trước nhà xuất hiện một vệt nứt dài hơn 60m. Nguyên nhân được xác định, do đất từ trên đồi đẩy xuống, kéo theo đó là nguy cơ sụt lún một cụm dân cư tại bản Hòa Sơn xuống núi.
Theo ông Vi Văn Truyền - Trưởng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, sau lũ một số khu vực của bản Hoà Sơn bị sạt lở, đặc biệt là những hộ dân nằm dọc tuyến đường đi vào xã Tây Sơn. Khu vực này đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn chạy dọc thân núi, có một số nhà dân bị vết nứt chia đôi. Cùng với đó, người dân được khuyến cáo di dời để đảm bảo an toàn.
Dù không bị ảnh hưởng của trận lũ quét, nhưng hơn 65 hộ dân và một điểm trường bán trú tại xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) lại đang lo lắng trước tình trạng sạt lở.
Theo ông Xồng Bá Lầu - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, trận mưa lớn đêm ngày 1/10 đã làm khoảng trên 5.000 khối đất, đá sạt lở lấp gần hết tầng 1 ngôi nhà 2 tầng khu bán trú của học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Nậm Cắn khiến 260 học sinh là con em theo học tại trường không thể đến lớp trong 4 ngày liền. Ngoài điểm trường bán trú, xã Nậm Cắn hiện có 65 hộ gia đình bị thiệt hại do lở đất. Nhất là tuyến đường từ trung tâm xã đến bản Huồi Pốc hiện vẫn còn ách tắc do đất, đá sạt lở.
Không chỉ ở núi cao, tại huyện Hưng Nguyên và TP Vinh tình trạng sạt lở đã bắt đầu xuất hiện sau đợt mưa lớn vừa qua. Đang dọn dẹp lượng đất đá sạt xuống nhà, ông Nguyễn Văn Huân ở xóm 3, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên cho biết, trong đợt mưa vừa qua gia đình đã kịp thời di dời sang nhà người thân tá túc. Khi về nhà, một lượng đất đá, cây cối đã sạt xuống, kèm theo là những vết nứt dài trên nhà.
Toàn tỉnh có 33/169 điểm sạt lở nặng
Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, sau trận mưa lớn vừa qua, trên địa bàn hiện có hơn 200 ngôi nhà có nguy cơ bị sập do sạt lở đất, trong đó có 36 nhà phải di dời khẩn cấp, riêng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ có 20 ngôi nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, qua khảo sát ban đầu có 37 hộ dân nằm trong vùng sạt trượt buộc phải di dời. Hiện nay huyện Kỳ Sơn đang tiến hành quy hoạch, lập khu tái định cư rộng khoảng 15ha. Diện tích này dự kiến sẽ là nơi tái định cư cho khoảng 200 hộ của nhiều xã, trong đó có 72 gia đình của bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, hiện đang nằm trong vùng có phạm vi sạt trượt và trôi nhà sau lũ.
Đối với điểm sạt lở dưới chân núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, TP Vinh qua thống kê có 28 hộ dân có khả năng bị sạt lở, tập trung tại khối 2 và khối 3. Trong đó, 12 hộ có nguy cơ cao. Còn tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên có khoảng 600 hộ dân sinh sống, trải dài từ xóm 3, 4, 5 ,6. Trong đó, có 50 hộ có nguy cơ cao, nên buộc phải di dời khi có mưa lớn.
Trong khi đó, theo số liệu Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Nghệ An, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 169 điểm sạt lở. Trong đó có 33 điểm sạt lở nặng ảnh hưởng trực tiếp đến 612 hộ dân với 3.044 nhân khẩu.
Được biết, trong chuyến thị sát tại huyện Kỳ Sơn sau trận lũ quét, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu huyện Kỳ Sơn đánh giá, tổng hợp chính xác thiệt hại, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên những công việc, hạng mục cần hỗ trợ để các ngành có cơ sở tham mưu cho tỉnh và cấp thẩm quyền quyết định. Đặc biệt, giao Sở NN&PTNT hướng dẫn huyện khảo sát quy hoạch xây dựng khu tái định cư cho người dân trên tinh thần đúng đối tượng, hợp lý.