Nỗi lo trong mùa mưa bão

Kim Xuân 24/08/2023 07:29

Hà Nội, TPHCM đều đã bước vào mùa mưa, cùng với nỗi lo ngập lụt, tắc đường là nguy cơ xảy ra tai nạn liên quan đến cây xanh gia tăng khiến người dân bất an.

Cắt tỉa cây xanh trên đường Chu Văn An (Hà Nội).

Như tại TPHCM, chiều tối 22/8, khu vực phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức xuất hiện mưa lớn kèm gió mạnh, một cây si cao khoảng 10m, đường kính gần 1m trên đường số 21, phường Phước Bình bất ngờ bật gốc đè trúng 2 người đàn ông đang trú mưa trên vỉa hè dưới tán cây; trong đó 1 người đã tử vong.

Trước đó, chiều ngày 28/7, 1 người đàn ông đang đi xe máy trên đường Hùng Vương (quận 5) thì bất ngờ 1 nhành cây xanh trên cao gãy, rơi trúng khiến bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ cây xanh khoảng 50 năm tuổi, bị bật gốc trong khuôn viên Trường THCS Trần Văn Ơn, trên đường Nguyễn Văn Thủ (phường Đa Kao, Quận 1) vào đầu tháng 4/2023 khiến nhiều người bị thương, một số xe máy hư hỏng nặng...

Liên tục xuất hiện sự cố do cây xanh ngã, đổ không khỏi khiến người dân TPHCM cảm thấy lo lắng, nhất là khi đã bước vào mùa mưa. Để đảm bảo an toàn cây xanh, hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa năm 2023, sở Xây dựng TPHCM đã giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật triển khai và duy trì thực hiện xuyên suốt các kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây và đặc biệt là rà soát, xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn.

Người dân cũng không nên chủ quan, khi thấy có mưa kéo dài, kèm dông lốc và gió giật thì tuyệt đối không trú mưa dưới hoặc gần những khu vực có cây lớn.

Liên quan đến sự cố cây xanh, theo ông Hồ Hữu Hải - Trưởng Phòng Công viên - Cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Sở Xây dựng thành phố), công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đô thị luôn được thực hiện thường xuyên và liên tục theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo mỹ quan, cảnh quan và an toàn cho đường phố. Trong mùa mưa năm 2023, Trung tâm đã triển khai và đang duy trì thực hiện xuyên suốt các kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây; rà soát, xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn phân cấp quản lý nhằm kịp thời ghi nhận, phát hiện cây bị chết, bị suy giảm sức sống, bị sâu bệnh, hư hại để có biện pháp thay thế phù hợp. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức ứng trực, tiếp nhận thông tin và kịp thời xử lý, khắc phục sự cố.

Còn tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1,16 triệu cây bóng mát. Tuy nhiên, nhiều không gian sống của cây xanh bị thu hẹp, dễ bị xâm hại. Vì vậy, nhiều cây phát triển cong queo, lệch tán, nghiêng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng tạo ra những trận lốc xoáy rất khó lường, làm gãy, đổ cây.

Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, hằng năm, Sở Xây dựng Hà Nội đều giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống cây bóng mát đang quản lý, khối lượng cây cần cắt sửa, đồng thời gia cố cọc chống cây mới trồng. Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND cấp huyện chủ động rà soát, cắt tỉa cây nguy hiểm trên địa bàn phân cấp quản lý.

Trong năm 2023, các chuyên gia khí tượng dự báo sẽ xảy ra hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ tăng cao, do đó các cơn bão cũng bất thường hơn và khó đoán định hơn, vì vậy cần đặc biệt chú ý công tác bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo trong mùa mưa bão