Từ không chỉ một năm nay, nhận thức rõ những mối nguy hại từ thực phẩm bẩn, MTTQ Việt Nam đã xắn tay thực hiện các giám sát chuyên đề về vấn đề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong một cuộc họp khi bàn về tiến độ triển khai thực hiện đã nêu quan điểm, làm sao sử dụng được thế mạnh của công nghệ thông tin để chỉ cần một cái kích chuột, người dân có thể biết được các cửa hàng thực phẩm sạch. Tương tự, phải có nơi để người dân phản ánh về thực
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại siêu thị. (Ảnh: CTV).
1. Trong năm 2016 nhiều đoàn công tác của MTTQ Việt Nam đã về làm việc với các địa phương trên cả nước về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với xây dựng chuỗi sản xuất và bán nông sản sạch. Giữa Mặt trận và Chính phủ đã có Chương trình phối hợp số 90 về vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Với sự nỗ lực ấy, năm 2017 và các năm tiếp theo MTTQ Việt Nam thông qua các chương trình giám sát chắc chắn sẽ đóng góp nhiều hơn, cụ thể hơn trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân trong đó có an toàn thực phẩm.
2. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đồng thời là Trưởng Đoàn giám sát của QH về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã có chuyến thị sát tại hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Trong chuyến làm việc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi tỷ lệ kiểm soát an toàn thực phẩm tại Tân Thanh là bao nhiêu? Cùng câu hỏi ấy, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đặt vấn đề: Báo chí có đăng nghi vấn cam, táo để cả năm không hỏng do chất bảo quản từ Trung Quốc nhưng chưa bao giờ mang đến phòng thí nghiệm nào để tìm ra chất đó. Vậy bà con ở đây có nghe nói câu chuyện người Trung Quốc tẩm chất gì vào hoa quả không?
Trả lời cho những thắc mắc trên, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh Nguyễn Bảo Ngọc cho biết, các mặt hàng xuất khẩu thực phẩm qua Chi cục chủ yếu là hoa quả, nông sản như chuối, dưa hấu, quả vải... và bánh kẹo, gạo, chiếm khoảng 80% lượng hàng hoá xuất khẩu của đơn vị. Còn các mặt hàng nhập khẩu thực phẩm gồm hoa quả như táo, lê, cam quýt và thuỷ sản sống chiếm 90% lượng hàng nhập khẩu qua Chi cục. Bản thân ông Bảo Ngọc cho biết, vẫn mua vẫn ăn hoa quả ở cửa khẩu nhưng chưa phát hiện được chất cấm như ông Khánh đề cập. Và, ông này còn cung cấp thêm thông tin lấy từ cơ quan kiểm dịch thực vật là hàng hoá nhập khẩu đều được kiểm tra, test nhanh và chỉ những lô hàng đảm bảo mới được thông quan.
Tuy nhiên, câu chuyện truy xuất nguồn gốc thực phẩm không vì thế mà bị làm nguội đi. Bởi, ngay tại Tân Thanh, ông Phùng Quốc Hiển với vai trò là Trưởng Đoàn giám sát đã đặt vấn đề: Các mặt hàng nhập khẩu đều đảm bảo vậy tại sao xuất hiện nhiều thuốc trừ sâu không có nhãn mác nhưng lại được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, vậy nó ở đâu ra? Và dù báo cáo của Chi cục Hải quan Tân Thanh cho rằng chưa phát hiện được lô hàng nào vi phạm nhưng thực tế tại một chợ dân sinh gần ngay đó được chính ông Hiển ghi nhận khi hỏi một số người bán hàng ở chợ về nguồn hàng. Câu trả lời mà Phó Chủ tịch QH nhận được là hàng mua ở Trung Quốc, nhưng chỉ biết người bán còn không biết xuất xứ hàng hoá thế nào!?
Tổ công tác số 3 cùng Đoàn giám sát nêu trên khi tới kiểm tra tại chợ Giếng Vuông (Lạng Sơn) cho biết, còn nhiều vấn đề nan giải khi chợ thì tạm bợ, cán bộ thú y thực hiện đóng dấu tại chợ chứ chưa kiểm soát được từ cơ sở giết mổ.
3. Còn tại một Báo cáo khác do Chính phủ trình bày tại phiên họp toàn thể của Đoàn giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, kết quả giám sát liên tục từ năm 2011 đến tháng 10 năm 2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.
Và nếu tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm thực sự khả quan thì có lẽ sẽ không có con số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% trong năm 2015 lên 23,4% trong năm 2016, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% lên 67%, số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu lên 3,73 triệu, theo như lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Một con số khác được ông Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu lên cũng rất đáng để suy ngẫm khi tổng số cuộc thanh kiểm tra làm theo kế hoạch gấp 14 đến 20 lần thanh tra đột xuất. Trong khi đó kết quả thanh tra kiểm tra theo kế hoạch thì sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn trên 80%, còn đột xuất thì trên 50%. Từ con số dẫn chứng, ông Hiển nêu quan điểm: "Tôi có cảm giác kết quả thanh kiểm tra đột xuất tiệm cận với thực tế hơn, phát hiện nhiều vấn đề hơn, vậy tương lai có có cần thiết phải thanh kiểm tra theo kế hoạch nhiều thế không?"
4. Trong một hội thảo bàn về các vấn đề liên quan tại Quảng Ninh hôm đầu tháng 3, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là một vấn đề được Quốc hội và cử tri rất quan tâm. Vì vậy, việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 đã được chọn là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khoá 14.
Ở một quốc gia mỗi năm sản xuất trên 45 triệu tấn lúa gạo, trên 5 triệu tấn thịt lợn, trâu bò, 12 tỷ quả trứng, 795 ngàn tấn sữa, 3,3 triệu tấn thuỷ sản, 375 ngàn tấn rau quả các loại, không chỉ đáp ứng cho tiêu dùng của hơn 90 triệu dân trong nước mà còn xuất khẩu thì an toàn thực phẩm hẳn nhiên là rất quan trọng. Nó không chỉ góp phần bảo đảm cho sức khoẻ, thể chất và tầm vóc người Việt Nam, hạn chế ngộ độc thực phẩm, tác hại của thực phẩm bẩn gây ung thư, các bệnh truyền qua thực phẩm; mà nó còn góp phần bảo đảm cho một môi trường sống trong lành, thu hút đầu tư, khách du lịch và dĩ nhiên, còn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế thông qua việc xuất khẩu các sản phẩm sạch mang thương hiệu Việt Nam.
Thế nhưng, cũng ở Việt Nam, chúng ta đã ghi nhận, mỗi năm các cơ sở sử dụng trên 110 ngàn tấn thuốc kháng sinh cho chăn nuôi, thuỷ sản, hoóc môn tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi còn chưa được kiểm soát chặt chẽ... gây ảnh hưởng lớn đối với chất lượng thực phẩm.
Nếu không kiểm soát được dư lượng chất cấm trong chăn nuôi thì cách nào bảo đảm cho sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm? Vấn đề nào thuộc trách nhiệm Nhà nước phải thực hiện?
Trả lời cho câu hỏi của Đoàn giám sát tối cao của QH về thực trạng an toàn thực phẩm, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, qua giám sát thấy có sự báo động. Còn về nguyên nhân, Bộ trưởng Tiến cho rằng, một là xuất phát điểm an toàn thực phẩm của ta quá thấp, nền sản xuất manh mún nhỏ lẻ từ sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó người sản xuất kinh doanh cố tình làm sai, doanh nghiệp bất chấp tất cả vì lợi nhuận, xử lý chưa nghiêm. Hệ thống giám sát có tiến bộ nhưng cảnh báo nguy cơ còn thấp, con người và tài chính đều yếu.
Thẳng thắn hơn nữa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, an toàn thực phẩm còn rất nhiều bất cập, còn rất nhiều bức xúc, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Các bộ ngành rất cố gắng, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm chỉ đạo, có chuyển biến tích cực bước đầu. Nhưng nếu như thế đã hài lòng thì tình hình không những không tốt lên mà còn nguy hiểm hơn, Phó Thủ tướng nói. Nguyên nhân là khâu nào của chúng ta trong cả 3 khâu từ sản xuất - chế biến - phân phối đều còn nhỏ lẻ. Vì thế, chỉ vận động tuyên truyền thôi chưa đủ; cần tạo môi trường pháp lý để sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm nhỏ lẻ tuân thủ pháp luật, Phó Thủ tướng nhấn mạnh…