Những ngày qua số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội giảm đáng kể, các chùm ca bệnh mới được tiến hành khoanh vùng kiểm soát. Thời điểm hiện tại, Hà Nội sẽ tập trung vào các khu vực nguy cơ nhằm nâng cao hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Theo sát các “ổ dịch”, phản ứng nhanh với các F0 trong cộng đồng
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 9 “ổ dịch” phức tạp, vẫn tiếp tục được theo dõi sát. Đáng chú ý, có hai “ổ dịch” mới nhất là “ổ dịch” tại tổ 4, phường Việt Hưng, quận Long Biên, “ổ dịch” tại chung cư A1, A4, A5 Khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch phường Việt Hưng (quận Long Biên) cho biết, hiện phường có 9 F0, đều là người trong gia đình của cụ bà A.T.K. Phường đã lập tức gửi thông báo tới tổ dân phố số 4,5 và số 7 về việc thực hiện giãn cách xã hội tại khu vực này theo Chỉ thị 16. Còn những khu vực khác trên địa bàn phường, phường thực hiện tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo cuộc sống người dân.
Đối với ca dương tính trong cộng đồng tại quận Hoàng Mai, theo ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch UBND quận, F0 được CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định tối ngày 19/9. Hiện người này sống tại tầng 25 của tòa nhà. Quận đã tiến hành cách ly y tế chung cư Park View Tower - Đồng Phát, Tổ dân phố số 33 phường Vĩnh Hưng với hơn 1.200 dân cư. Việc cách ly y tế này sẽ được thực hiện đến thời điểm có kết quả sàng lọc người dân tại đây, nếu nguy cơ không cao, quận sẽ có phương án phong toả chính thức, thu hẹp chỉ phong tỏa tầng 25 trong 14 ngày.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, cơ bản sau ngày 21/9 thành phố không chia thành các vùng như trước đây mà chia khu vực xuất hiện nguy cơ để phòng, chống dịch hiệu quả.
Cụ thể, nơi nguy cơ rất cao có ca F0 sẽ trở thành “điểm đỏ” phải áp dụng Chỉ thị 16; đồng thời thực hiện phong tỏa, cách ly y tế. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào thành phố kết nối với các địa phương bạn. UBND thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP Hà Nội cho biết, việc thực hiện xét nghiệm cần tập trung vào các khu vực nguy cơ cao, đối tượng nguy cơ cao để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng dịch; đồng thời, đảm bảo việc phát triển kinh tế, xã hội.
Tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế
Ngày 20/9, Sở Y tế Hà Nội ban hành công văn khẩn về tăng cường phòng, chống Covid-19 trong cơ sở y tế, trong đó, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập đặt cảnh báo phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 06 ngày 12/5 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ (ho, sốt, khó thở, biểu hiện cúm...).
Đặc biệt, các cơ sở y tế không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân đi từ vùng dịch, ca nghi ngờ đến khám.
Hà Nội chính thức kết thúc đợt giãn cách lần thứ 4 từ 6h ngày 21/9
Tại cuộc họp của Thành ủy và UBND TP Hà Nội thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố chiều 20/9, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ 6 giờ ngày 21/9, thành phố sẽ không áp dụng phân vùng và không áp dụng cấp giấy đi đường cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát di biến động của người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Trung ương; phân cấp ủy quyền cho các sở ngành, địa phương nhằm hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt giải pháp phục hồi sản xuất kinh tế, kinh doanh dịch vụ để đảm bảo an toàn với dịch.
M.P.