Kinh tế

Nội lực nền kinh tế đất nước trong biến động toàn cầu

Thế Tuấn 30/04/2025 06:12

Trả lời phỏng vấn nhân Việt Nam kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales), cho rằng sau 50 năm Việt Nam đã chuyển mình từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá trở thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ trong khu vực.

Biến thách thức thành cơ hội

Theo GS Carl Thayer, chính tầm nhìn xa trông rộng mang tính chiến lược của ban lãnh đạo đất nước khi thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế và mở cửa hội nhập với thế giới, cho phép khu vực tư nhân phát triển là những yếu tố then chốt đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng và vươn lên. Ông Carl Thayer bày tỏ tin tưởng vào tương lai xán lạn của Việt Nam bởi "Việt Nam luôn đón nhận những thách thức và biến chúng thành cơ hội".

Với kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2024 và tính đến các rủi ro và bất lợi tiềm ẩn từ các cuộc xung đột thương mại tiếp theo từ chính sách thuế mới của Mỹ, các chuyên gia Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam có vẻ khá tham vọng nhưng vẫn có nhiều dư địa để đạt được. Tương tự, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, năm 2025, GDP của Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng mạnh. Triển vọng này được củng cố bởi xuất khẩu cho dù có thể gặp khó khăn nhưng vẫn tăng, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục tăng. Giải ngân FDI cũng được dự báo tăng xấp xỉ 10% so với năm trước.

Du kachs den Hoi An
Đô thị cổ Hội An của Việt Nam thu hút du khách quốc tế. Ảnh: Tấn Thành.

Còn theo nhóm chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 có thể gặp khó khăn so với năm 2024 nhưng vẫn dẫn đầu khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục lọt vào nhóm các quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới. Điều đó trước hết đến từ hiệu suất xuất khẩu mạnh mẽ và hiệu suất FDI vững chắc.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 là hợp lý. Còn theo ông Andrea Coppola - chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, tài chính và thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong việc sử dụng linh hoạt các chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi nhu cầu trong nước. Các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy định, điều đó đã củng cố nội lực của nền kinh tế.

Ở một góc nhìn khác, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. Trước đó, vào năm 2020, GDP của Việt Nam đạt 346 tỷ USD, đứng thứ 37 trên thế giới.

Báo cáo từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) cũng cho thấy, kết thúc năm 2024, Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Việt Nam tăng cao nhất trong 3 năm qua, phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Điều đó minh chứng cho khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của Việt Nam trước những biến động toàn cầu, đồng thời khẳng định vị thế ngày càng nổi bật của Việt Nam như một trung tâm thương mại và đầu tư của khu vực.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo, Phân tích kinh tế độc lập CEBR (Anh) cho rằng, năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD, tăng đáng kể so với mức 4.469 USD năm 2024, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao. Dự kiến, Việt Nam sẽ xếp thứ 124 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, đánh dấu bước tiến trong cải thiện đời sống người dân.

Còn Seasia Stats - trang thống kê uy tín về các nước Đông Nam Á dự báo, nền kinh tế Việt Nam năm 2025 đứng thứ 12 châu Á, với quy mô dự kiến khoảng 506 tỷ USD. Được đánh giá là một trong những cường quốc sản xuất và thương mại, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút FDI, đặc biệt là trong sản xuất và điện tử. Chính các hiệp định thương mại và vị trí chiến lược của Việt Nam giúp giảm áp lực kinh tế toàn cầu trong giai đoạn khó khăn.

Một số khuyến nghị

Tuy nhiên, trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ, các chuyên gia tài chính quốc tế cũng đưa ra một số khuyến nghị với Việt Nam. Ông Andrea Coppola (WB) cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam tiếp tục đầu tư vào vốn nhân lực, cải thiện hệ thống giao thông và năng lượng nhằm hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển.

Còn theo ông Shantanu Chakraborty (ADB), cùng với nỗ lực để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, kích thích nhu cầu trong nước trở thành các động lực tăng trưởng bổ sung, Việt Nam cũng cần phải tập trung vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động để ứng phó với những thách thức trong tương lai gần.

Các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered cũng lưu ý Việt Nam cần thận trọng. Cụ thể, các động thái lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất đồng USD thấp hơn có thể đưa dòng vốn chảy ra nước ngoài, trong khi thặng dư thương mại bền vững cùng nguồn thu ngoại tệ mạnh mẽ từ ngành du lịch sẽ hỗ trợ đồng VND. Đại diện Standard Chartered lưu ý, nếu như xuất khẩu khó khăn thì cần xác định sản xuất là động lực chính dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, cùng đó là sự phục hồi thị trường bất động sản, bán lẻ và tiêu dùng nội địa. Đó là những yếu tố rất quan trọng khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao nên những vấn đề liên quan tới thương mại toàn cầu có thể “gây khó”.

Tuy nhiên, theo bà Yun Liu - chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC thì thương mại vẫn là một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo, dù có thể chịu nhiều tác động do căng thẳng thương mại toàn cầu.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) công bố vào tuần thứ hai tháng Tư vừa qua, mặc dù vẫn dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao trong năm 2025, nhưng ADB cũng khuyến nghị về những biện pháp ứng phó rủi ro từ bên ngoài, đặc biệt là căng thẳng thương mại toàn cầu và chính sách thuế quan của Mỹ. Theo ADB cùng với lĩnh vực bán lẻ, du lịch, dòng vốn FDI vẫn là những điểm sáng kinh tế Việt Nam năm nay, thì việc Chính phủ tập trung vào chuyển đổi số và phát triển bền vững sẽ mở ra những cơ hội mới, đặc biệt là trong các dịch vụ tài chính và bán lẻ.

Theo ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cao, điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế kinh tế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn.

Theo ông Jonathan London - cố vấn kinh tế của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2025 được nhiều người đánh giá là khá lạc quan. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đặt ra phản ánh sự tự tin của Chính phủ và niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2025, động lực tăng trưởng chính Việt Nam cần tập trung vào các ngành công nghệ cao, công nghệ xanh và dịch vụ giá trị gia tăng. Cải cách trong cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng, cùng với hệ thống tài chính, bao gồm cải thiện thị trường vốn và các ưu đãi thuế cho đổi mới sáng tạo, sẽ là yếu tố then chốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nội lực nền kinh tế đất nước trong biến động toàn cầu