Theo một báo cáo của chính quyền, có đến hàng nghìn phụ nữ và các cô gái trẻ bỗng dưng biến mất ở Mexico mỗi năm – rất nhiều trong số này không bao giờ tồn tại trên đời nữa. Vậy nên khi một gia đình nhận ra con gái mình đã mất tích, họ buộc phải thừa nhận thực tế rằng con họ sẽ không bao giờ trở về.
Phụ nữ và thiếu nữ ở Mexico luôn là con mồi của những kẻ buôn người,
thông qua mạng xã hội.
Mục tiêu của những gã buôn người
Karen, con gái của Elizabeth đã mất tích vào hồi tháng 4/2013 khi cô bé mới chỉ 14 tuổi, và là một trong số hàng nghìn cô gái bị mất tích trong những năm gần đây ở bang Mexico, một khu vực bao quanh thủ đô Mexico City của Mexico.
Đã có khoảng 1.238 phụ nữ và thiếu nữ bị mất tích trong khoảng từ năm 2011 đến 2012 ở khu vực này. Trong số đó là 53% thiếu nữ dưới độ tuổi 17. Chả ai biết được có bao nhiêu người được tìm thấy, dù còn sống hay đã chết, hoặc vẫn mất tích. Chỉ biết rằng đây được cho là bang nguy hiểm nhất đối với phụ nữ ở Mexico, với ít nhất 2.228 phụ nữ bị sát hại trong suốt một thập kỷ qua.
Quay trở lại với gia đình Elizabeth, gia đình bà đã lập tức báo cáo trường hợp của Karen cho chính quyền sau khi cô bé mất tích được 3 giờ đồng hồ. Nhưng ở Mexico, cảnh sát sẽ không mở hồ sơ một vụ mất tích nếu như ai đó biến mất quá 72 giờ đồng hồ, thậm chí là đối với cả một đứa trẻ. Bởi vậy mà Elizabeth và chồng bà, Alejandro, phải tự mở một cuộc điều tra của riêng mình, bắt đầu từ trang mạng xã hội của cô bé.
“Khi chúng tôi vào tài khoản Facebook của nó, mới biết được rằng nó có hơn 4.000 người bạn. Việc này giống như mò kim đáy bể vậy, nhưng chúng tôi vẫn chú ý đến một người đàn ông. Gã này chụp ảnh cùng rất nhiều cô gái, với một khẩu súng trên tay, và kết bạn với rất nhiều cô gái trạc tuổi con chúng tôi” - Elizabeth kể lại.
Theo lời kể, người đàn ông lạ mặt này nhìn giống như một gã buôn thuốc phiện, và còn hứa sẽ sớm đến gặp Karen. Gã đã liên lạc với Karen chỉ vài ngày trước khi cô mất tích, và có được số điện thoại di động của cô.
Tẩy não
Mỗi năm, ước tính có khoảng 20.000 người bị buôn bán trái phép ở Mexico, theo Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM). Đa phần những người này được những kẻ buôn người nhằm vào thông qua mạng xã hội, để rồi sau đó bị lừa đi với chúng, bị ép buộc phải làm gái mại dâm.
Vì lo lắng cho số phận con gái mình, Elizabeth đã tìm cách ngăn chặn cô bị đưa ra nước ngoài bằng cách gây sức ép để phía cảnh sát thông báo một mức cảnh báo và dán ảnh Karen lên mọi tuyến xe buýt ở Mexico City. Họ thậm chí còn đưa ảnh cô lên truyền hình và đài phát thanh.
Nỗ lực của họ cuối cùng đã mang lại kết quả. Người ta phát hiện Karen đang đứng ở một trạm trung chuyển xe buýt, cùng một cô gái khác cũng được báo cáo mất tích ở một bang khác. Tuy nhiên, gã buôn người đi cùng 2 cô bé – kẻ cung cấp tiền và hứa đưa 2 cô sang thành phố New York (Mỹ) để theo đuổi sự nghiệp ca hát - không bao giờ bị bắt giữ.
Khi gặp lại gia đình, Karen thậm chí còn tỏ ra hết sức tức giận cha mẹ mình vì đã làm đổ bể sự nghiệp ca hát rực rỡ như đang ở ngay trước mắt của mình ở New York và phải đến mãi sau này khi cô tham gia một diễn đàn gồm những cô gái trẻ cũng bị lừa như cô, cô mới hiểu rõ được rằng mình đã bị lũ buôn người “tẩy não” ra sao.
Mặt tối của mạng xã hội
Kể từ khi Karen trở về nhà, Elizabeth và Alejandro đã giúp đỡ 21 gia đình khác đoàn tụ với con cái của họ. Họ cũng không ngờ rằng lại có nhiều gia đình cũng chịu cảnh tương tự như mình đến vậy, và nhiều gia đình không được may mắn như họ khi không bao giờ được gặp lại con của mình nữa.
Vào tháng 10-2014, một trường hợp tương tự xảy ra khi cô bé Syama Paz Lemus, 17 tuổi, mất tích. Người ta phát hiện ra rằng cô cũng là một đối tượng bị bọn buôn người chọn làm mục tiêu thông qua mạng xã hội. Mỗi ngày của cô bé nhút nhát Lemus là một ngày sống “ảo” trên các trang mạng xã hội; cô cũng thường xuyên nói chuyện với người lạ thông qua hệ thống chơi game trực tuyến và giành nhiều thời gian lên mạng bằng laptop hoặc máy chơi game Xbox của mình trong phòng.
Vào ngày mà cô biến mất, một người hàng xóm trông thấy một gã đội mũ trùm đầu đã đưa cô đi bằng taxi. Lemus mang theo hai túi xách đồ đạc và cùng gã biến mất. Sau này, gia đình cô sau khi tìm kiếm trên laptop của cô mới phát hiện ra rằng Lemus đã nhận được một bức thư nặc danh, trong đó đe dọa rằng nếu không đi cùng gã đàn ông trên, toàn bộ cuộc sống riêng tư của cô sẽ bị tung lên mạng. Cho đến nay, không ai còn gặp lại Lemus dù đã có vô số cuộc tìm kiếm.
Đến tháng 7 năm nay, chính quyền bang cuối cùng phải thừa nhận – sau nhiều năm phủ nhận – rằng bạo lực giới tính là một vấn đề nghiêm trọng ở một số khu vực. Họ đã lần đầu tiên đưa ra mức “cảnh báo giới tính” ở 11 trong tổng số 125 khu vực đô thị, trong đó bao gồm cả Ecatepec nơi mà Lemus từng sống.
Chính quyền cũng cảnh báo về nạn lừa đảo, bắt cóc sử dụng công nghệ cao như thông qua các mạng xã hội. Được biết rất nhiều thanh niên trẻ tuổi ở Mexico, và các bậc cha mẹ, không lường trước được sự nguy hiểm của việc tung thông tin cá nhân lên mạng. Giới trẻ thường xuyên đăng tải ảnh cá nhân cùng các chi tiết khác như địa chỉ nhà, số điện thoại, trường học…lên mạng xã hội, khiến cho ngay cả những kẻ lạ cũng nắm được mọi thông tin của họ.
Không ít vụ thiếu niên ở Mexico, đặc biệt là các bé gái, bị kẻ buôn người bắt cóc nhờ nắm được thông tin về con mồi thông qua mạng xã hội, và rồi sau đó số phận kết thúc ở kênh đào Grand Canal. Theo phía cảnh sát, hồi tháng 9 năm ngoái, chính quyền đã tìm thấy hàng trăm mảnh xương ở kênh đào này, và sau đó xác nhận được chúng thuộc về những bé gái bị mất tích trước đây.