Nỗi niềm của những 'đôi vai gầy' trong ngày 20-10

Hoàng Vân 20/10/2021 10:00

Giữa trời khuya, những mảnh đời khó nhọc vẫn đang tất tả mưu sinh. Những người phụ nữ ấy phơi mình giữa sương gió, gánh từng gánh hàng, đẩy từng xe rác lang thang khắp các con đường, ngõ hẻm…

Họ là những người tá túc và lấy thành phố làm một trú xứ, rong ruổi rày đây mai đó kiếm cơm. Họ là những người nghèo giữa thành phố rộng lớn, xe cộ tấp nập nhưng riêng họ vẫn giữ nguyên bộ dạng hom hem với nỗi tủi hờn của kiếp người lầm than.

Làm gì để kiếm ra tiền

Những nữ cửu vạn gồng mình mưu sinh trong ngày lễ 20-10.

Chất đầy chiếc xe cà tàng, những người cửu vạn tại chợ hoa Quảng An, Hà Nội vẫn miệt mài gánh đủ các mặt hàng hoa. Phần lớn những gánh hàng chúng tôi tiếp cận đều của phụ nữ trung niên từ 40 - 60 tuổi.

Họ rời quê lên thành phố đã nhiều năm, số tiền kiếm được từ việc bán hoa chủ yếu để tằn tiện nuôi sống bản thân, còn thừa thì gửi về cho gia đình con cái ở quê. Mỗi người, mỗi một quê hương, mỗi một gia cảnh khác nhau nhưng đều chung nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Có những người đã gắn bó với nghề 5 năm, 10 năm thậm chí là 20 năm. Ngày mưa cũng như ngày nắng, họ miệt mài chở những gánh hàng hoa đi phân phối khắp nơi, chở cả nỗi lo của người mẹ dành cho những đứa con, chở cả nỗi niềm của một người vợ nhớ chồng.

Nhịp sống tất bật về đêm trước ngày 20-10.

Cận kề ngày 20-10, những người phụ nữ cửu vạn vẫn phải tăng ca để kiếm thêm đồng ra, đồng vào trang trải cho cuộc sống. Chị Hoàng Thị Vy (38 tuổi, Bắc Ninh) rời quê lên Hà Nội được gần 7 năm nay. Chị kể, vào những ngày lễ dành cho phụ nữ, chị chưa bao giờ nhận được một bó hoa tươi thắm bởi số tiền làm ra không đủ cho chị trang trải cuộc sống.

Chất đầy gánh hoa trên chiếc xe máy, chị lách qua dòng người đổ về chợ hoa đêm mà than thở: “Bán được 5 nghìn cũng chả dám ăn, tích góp gửi về quê cho con ăn học. Tiền đâu mà mua hoa”.

Chị Thơ tất bật với công việc dọn rác không màng đến ngày lễ.

Chung nỗi niềm với chị Vy, chị Trần Thơ (37 tuổi, Yên Phụ) mới xin làm công nhân vệ sinh môi trường được mấy tháng nay. Đồng lương ít ỏi khiến chị mệt mỏi vì không thể gánh vác được mọi chi phí sinh hoạt, chi tiêu cho cả gia đình.

Bàn tay thoăn thoắt, 2 tay cầm 2 túi rác, chị cố rướn người cho vào xe chở rác đã vơi của mình, ánh mắt đỏ hoe lưng chừng nước mắt, chị tâm sự: “Chồng tôi bị tai nạn giao thông 4 năm nay, 2 người con đang tuổi ăn tuổi học. Mọi chi tiêu trong gia đình một mình tôi gánh vác, nhiều lúc cũng tủi thân nhưng không biết làm gì hơn, phải cố gắng vì 2 con".

Nỗi trăn trở "Làm gì để kiếm ra tiền" luôn canh cánh trong lòng chị Thơ.

Nỗi trăn trở “ Làm gì để kiếm ra tiền” nuôi sống chính mình, để nuôi sống gia đình dường như hằn sâu lên khuôn mặt của người phụ nữ này. Ngày mai 20/10, thế nhưng chị vẫn chỉ đau đáu về gia đình, không mong muốn gì hơn cho bản thân. Đôi mắt thâm sâu, đôi tay sần sùi đã trở thành thương hiệu.

Mong ước nhỏ nhoi

Trời Hà Nội đang độ giao mùa, cái lạnh đầu mùa cũng khó mà che được bằng tấm áo mỏng. Thế nhưng, nhịp sống của những người lao động chân tay lại bắt đầu từ tờ mờ sáng đến tối muộn .

10h30 tối tại phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), những nữ công nhân vệ sinh môi trường (VSMT) vẫn đang cần mẫn làm công việc của mình. Do đặc thù công việc nên hầu như vào những dịp lễ, Tết họ không được ở cạnh gia đình. Nếu bình thường chỉ làm việc 8 tiếng thì vào ngày lễ như: 20-10… Họ phải tăng cường lên 12 tiếng một ngày.

Bà Hương miệt mài với công việc dọn rác, bà có phần chạnh lòng khi không được ở bên gia đình vào ngày lễ đặc biệt.

Bà Bùi Thúy Hương (52 tuổi, Đống Đa, Hà Nội), công nhân VSMT chuyên làm ca tối, công việc bắt đầu từ lúc 5h chiều và kết thúc vào lúc 3h sáng. Thậm chí, hôm nào bị nhỡ xe cẩu, có khi đến tận 5h sáng, bà mới được về nhà.

Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bà Hường trở thành lao động chính, bất đắc dĩ gồng gành nuôi cả gia đình. Trong ngày lễ của chính mình bà có phần chạnh lòng bởi đã không có hoa lại còn phải tăng ca làm thêm giờ.

“Trước đây khi mới vào làm, những dịp này thấy mọi người đi chơi tủi thân lắm, toàn khóc suốt. Nhất là những ngày lễ của chính mình nhìn gia đình người ta đi chơi, ăn uống, nước mắt cứ chực trào ra. Nhưng giờ tôi đã quen nên đỡ hơn nhiều”, bà nói.

Với chị Hương mong ước lớn nhất trong ngày 20-10 là có thật nhiều sức khỏe.

Trong những dịp đặc biệt như ngày 20-10, vốn dĩ một bó hoa, một món quà hay một lời chúc mừng tưởng như quá giản đơn nhưng với những người lao động chân tay như bà Hường trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết.

"Công nhân vệ sinh như chúng tôi, ngày lễ cũng giống ngày thường, thậm chí ngày lễ khối lượng công việc còn nhiều hơn. Lắm lúc, chúng tôi hay nói vui với nhau mong ngày này trôi qua thật nhanh để không thấy chạnh lòng", ánh mắt đượm buồn, bà Hường tâm sự.

Phận phụ nữ một mình nơi đất khách quê người mà lại đi sớm về muộn. Những nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài với công việc tô điểm cho đường phố. Những nơi họ đã đi qua, rớt rơi những giọt mồ hôi, hằn in những dấu chân mệt mỏi nhưng họ vẫn không bỏ cuộc.

Vì nghĩ cho gia đình, vì cuộc sống mưu sinh họ chẳng thèm màng đến những bông hoa, những món quà, có lẽ với họ sức khỏe là thứ quan trọng nhất để gồng gánh với hiện thực cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm của những 'đôi vai gầy' trong ngày 20-10