Theo dự kiến về khung kế hoạch thời gian năm học 2023 - 2024, học sinh lớp 1 ở Hà Nội và TPHCM sẽ tựu trường ngày 21/8. Trong khi đó, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 1 tại các đô thị lớn trong năm học tới đều tăng, và áp lực có con học đầu cấp của phụ huynh vẫn là những nỗi lo chung.
Muôn kiểu chi phí
Câu chuyện “chạy đua” vào lớp 1 tại các đô thị đông dân năm nay vẫn tái diễn tình trạng phụ huynh xếp hàng từ đêm để nộp hồ sơ cho con. Cùng với đó là những mối lo khác như: Học phí, đồng phục, sách giáo khoa... trước thềm năm học mới.
Gia đình chị Nguyễn Ngọc Hạnh (38 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay có con vào lớp 1 đang phải “gồng gánh” nhiều khoản chi thêm. Ngoài tiền sách, vở, quần áo, dụng cụ học tập, ngay đầu năm học, chị sẽ phải đóng thêm tiền xã hội hóa, phí vệ sinh, ăn bán trú, học thêm và một số khoản đóng góp khác.
“Có thể với nhiều bậc phụ huynh thì chi phí đầu năm học không phải là vấn đề quá lớn, nhưng với một nhân viên văn phòng lương 6 triệu đồng/tháng như tôi thì rất chật vật. Gia đình tôi còn phải đi thuê nhà, tiền trọ mỗi tháng cũng tiêu tốn hơn một nửa lương rồi", chị Hạnh tâm sự.
Tương tự, gia đình anh Phạm Anh Minh (40 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phải gom góp để chuẩn bị đầy đủ cho con từ quyển sách, quyển vở, chiếc bút đến đồng phục để sẵn sàng cho ngày tựu trường.
Anh Minh cho hay, việc đăng ký được cho con học ở trường công trước mắt đã giúp gia đình tiết kiệm một khoản học phí. Tuy nhiên vào năm học và trong năm học chắc chắn sẽ phát sinh thêm nhiều khoản, gia đình sẽ phải sẵn sàng dành tiền để đầu tư cho con, nhất là năm đầu tiên con đi học.
Bên cạnh các khoản phí đóng đầu cấp cơ bản, phụ huynh có thể còn phải đóng góp tiền để lắp các thiết bị khác như điều hòa, máy chiếu, ti vi để phục vụ việc học của các con. Mới đây, một số phụ huynh có con vào lớp 1A5, Trường Tiểu học Hữu Hòa (Hà Nội) lên tiếng có thông tin học sinh vừa vào lớp 1, nhà trường đã ép phụ huynh góp tiền mua điều hòa.
Trước thông tin này, hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Hòa khẳng định không chỉ đạo, không phát ngôn, không yêu cầu hay bắt buộc phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường. Dù chủ tài khoản Facebook Minhnguyen - người đã đăng tải thông tin đã gỡ bài đăng theo yêu cầu của tổ xác minh nhưng câu chuyện lắp các thiết bị trong lớp của các con mỗi dịp đầu năm vẫn khiến phụ huynh băn khoăn.
Vẫn thiếu trường lớp
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh ở các lớp đầu cấp đều tăng mạnh so với năm học 2022 - 2023. Năm nay, Hà Nội có khoảng 155.600 học sinh vào lớp 1, tăng gần 12.000 em, tương ứng cần thêm 88 phòng học.
Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm 2023 của Hà Nội được giữ ổn định như mọi năm, thành phố vẫn áp dụng nguyên tắc tuyển sinh theo tuyến, học sinh ở phường, xã nào sẽ được xếp vào trường học ở khu vực đó. Điểm mới trong công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1 năm học 2023 - 2024 tại Hà Nội là trong hồ sơ của học sinh không yêu cầu giấy xác nhận thông tin về cư trú. Phụ huynh khi đăng ký tuyển sinh cho con chỉ cần cung cấp thông tin họ tên kèm mã định danh cá nhân. Các trường nhận được thông tin sẽ phối hợp với công an xã, phường, thị trấn xác nhận cư trú để tạo thuận lợi cho việc phân luồng học sinh.
Sở GDĐT Hà Nội cũng yêu cầu, hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá cao, nếu sĩ số học sinh/ lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, phòng GD&ĐT phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã và báo cáo Sở GDĐT, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học.
Tuy nhiên thực tế thì nơi nào đông dân cư thì học sinh đầu cấp vẫn đông. Để đáp ứng số học sinh tăng mạnh, nhiều quận đã phải cơi nới, xây mới trường học.
Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai nhiều năm nay vẫn là “điểm nóng” của vấn đề tuyển sinh đầu cấp vì thiếu trường lớp, trong đó năm ngoái phụ huynh phải bốc thăm suất học mẫu giáo. Riêng học sinh tiểu học nhiều năm nay phải học luân phiên cả ngày thứ 7 mới đủ chỗ.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, trước đây phường chỉ có 1 trường tiểu học nên áp lực rất lớn. Sau đó có thêm 2 trường nữa, gồm Tiểu học Chu Văn An và Tiểu học Linh Đàm, phân lại tuyến tuyển sinh, áp lực vơi dần nhưng với gần 2.000 học sinh, sĩ số gần 50 em/ lớp, trường vẫn phải cho học luân phiên cả cuối tuần. Trong mùa tuyển sinh năm nay, trường tuyển hơn 400 em vào lớp 1 và bố trí 10 lớp. Với tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, giải pháp duy nhất là xây dựng thêm trường, lớp để đáp ứng nhu cầu, bà Hạnh nói.
Tại quận Đống Đa, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Liên cho biết, những năm trước trường có quy mô lên tới 64 lớp, gần 4.000 học sinh. Hằng năm, trường chỉ tuyển học sinh của 16 tổ trong phường Kim Liên đã quá tải.
Năm học 2023 - 2024, UBND quận quan tâm đầu tư, đốc thúc xây mới Trường Tiểu học Kim Liên và xây thêm Trường Tiểu học Đống Đa ngay bên cạnh kịp đưa vào sử dụng cho năm học này. “Việc xây mới thêm một trường nên tuyến tuyển sinh được chia lại, giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp cho nhà trường rất nhiều. Dù vậy, nhà trường cũng chỉ giãn được lớp học mà không giãn được sĩ số do mỗi trường chỉ có 30 lớp học. Trên thực tế, hiện trường đang có 32 lớp và cơ cấu giáo viên chỉ đáp ứng nhu cầu các lớp kể trên, tính cả giáo viên hợp đồng”, bà Chi nói.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thành phố hiện có hơn 2,3 triệu học sinh. Số học sinh các trường mầm non, phổ thông công lập hằng năm tăng gần 6% nên dù có xây thêm trường, sửa chữa, cơi nới các phòng học vẫn rất khó khăn, áp lực về trường, lớp. Bên cạnh đó, theo ông Cương, có một thực tế là tăng học sinh, xây mới thêm trường lớp sẽ càng thiếu đội ngũ giáo viên đứng lớp.
Việc sĩ số học sinh trong lớp tăng do thiếu trường học sẽ tác động trực tiếp đến từng gia đình và phụ huynh sẽ là những người lo lắng nhất cho tương lai của con em mình. Vì vậy các thành phố lớn cần tập trung giải quyết vấn đề quy hoạch trường học để đáp ứng nhu cầu người dân và sự gia tăng dân số, khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, sĩ số đông ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.