Hiện cả nước có hơn 11.000 trạm y tế. Tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe vẫn còn nhiều vấn đề. Đặc biệt, đối với vùng sâu vùng xa, nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số, nơi rất cần đến y tế thì cũng còn đó những nỗi niềm.
“Cô đỡ thôn bản” Lò Thị Lan thăm khám thai cho bà mẹ ở bản Huổi Tao C, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Vinhphuc Online.
1. Một báo cáo cho biết, có tới 80% người dân bị bệnh nhẹ có thể được chăm sóc tại các trạm y tế cơ sở. Đó là con số rất đáng phấn khởi, tuy nhiên, với vùng sâu vùng xa, vùng bà con dân tộc thiểu số (DTTS) thì con số đó thấp hơn nhiều. Nhất là đối với những thôn bản hẻo lánh, cách xa trung tâm xã.
Theo Bộ Y tế, để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên thì việc tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, nhất là với các trạm y tế xã là điều cần thiết. Vì thế, nhiều năm qua, Nhà nước rất chú trọng xây dựng y tế xã, trong đó có những nơi đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của bà con DTTS. Theo Bộ Y tế, trong 2 năm nay, Bộ đã triển khai thí điểm gần 30 trạm y tế thuộc 8 tỉnh/thành với đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, đào tạo chuyên môn, bổ sung bác sĩ, danh mục kỹ thuật, thuốc... Tuy nhiên, trên thực tế, có những bệnh viện tuyến Trung ương khám trên 5.000 người/ngày, trong khi tuyến xã chỉ khám 2 - 3 người/ngày.
Có thể nói, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay hầu hết trạm y tế xã ở vùng núi vẫn gặp rất nhiều khó khăn, về đội ngũ cán bộ y tế, trang thiết bị, cơ sở vật chất và thu nhập thấp đối với cán bộ y tế xã. Do đó, người dân vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, dẫn đến vượt tuyến không cần thiết, gây quá tải và lây nhiễm chéo các bệnh viện tuyến trên. Tới vùng núi cao, dễ dàng nhận thấy nhiều trạm y tế đìu hiu, vắng vẻ, trang thiết bị có nhưng dường như bỏ không. Ví dụ tại Cao Bằng, con số của đầu năm nay, hơn 130/200 trạm y tế của tỉnh này xuống cấp, nhân lực có nhưng thiếu thiết bị, hoặc có thiết bị thì không có người sử dụng. Hoặc tại những huyện vùng núi cao tỉnh Quảng Nam, hàng năm khi mùa mưa tới, nhiều thôn bản bị cô lập, người dân nếu không may bị bệnh cũng không cách nào đến được trạm y tế. Vì vậy, bà con thường tự chữa bệnh bằng những phương pháp rất đơn sơ, không hiệu quả, đôi khi dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
2. Trong khó khăn ấy, thì vai trò của Trạm y tế Quân - Dân y kết hợp đã thực sự là mô hình hiệu quả. Qua ba năm triển khai Dự án Quân - Dân y kết hợp (từ năm 2016 đến nay), nhiều mô hình đã được thực hiện thành công trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, bộ đội, trong thời kỳ mới; góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đây là 1 trong 8 dự án của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.
Trên thực tế, lực lượng quân y có mạng lưới y tế cơ sở ở 44 tỉnh, với 435 xã/phường, thị trấn biên giới và gần 600 xã/phường, thị trấn ven biển và đảo. Nhiều năm qua Quân y đã phối hợp với y tế địa phương làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Có thể nêu ví dụ về sự thành công, đó là mô hình kết hợp Quân - Dân y tại Trung tâm y tế Quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng, sau 2 năm thành lập, Trung tâm đã khám cho hơn 11.000 lượt bệnh nhân. Trung tâm đã cấp cứu nhiều ca bệnh nặng và khó như chửa ngoài tử cung vỡ, thủng dạ dày, vết thương thấu tạng, thoát vị bẹn nghẹt, đa vết thương nghi do cá mập cắn, viêm ruột thừa cấp, vết thương đứt rời cẳng chân.
Dự án Quân - Dân y đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng cấp 30% phòng khám Quân - Dân y khu vực biên giới, hải đảo; thành lập 50% bệnh xá Quân - Dân y; 100% trạm y tế xác xã đảo độc lập; 100% các huyện đảo có phòng mổ trang bị đồng bộ... Ngày 12/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2018/NĐ-CP. Đây sẽ là nội dung đánh dấu bước tiến quan trọng của công tác kết hợp Quân - Dân y, trong lịch sử hình thành và phát triển của chương trình.
Cơ sở vật chất của Trạm y tế xã Bồ Lý (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: Trà Hương.
3. Về việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, chữa trị những bệnh thông thường cho bà con vùng sâu vùng xa, bà con vùng đồng bào DTTS- thì vai trò của y tế cơ sở là hết sức quan trọng, Cùng với Trạm Y tế xã, Trạm Y tế Quân - Dân y kết hợp, một “nhân viên y tế” khác vô cùng quan trọng: đó là cô đỡ thôn bản.
Tới nay, tên gọi “cô đỡ thôn bản” đã trở nên quen thuộc, trìu mến đối với bà con vùng sâu vùng xa, ở những nơi giao thông di lại khó khăn. Họ là những lương y thầm lặng, cho dù không còn phụ cấp. Thế nhưng vì tình cảm, trách nhiệm với đồng bào, họ vẫn thầm lặng cống hiến, không thở than.
Ở nhiều thôn bản khi mà cơ sở y tế chưa bao phủ, nơi bà con sống trong điều kiện khó khăn, mỗi khi sinh nở lại là một lần lo lắng. Không ít trường hợp các bà mẹ đã phải tự sinh ở nhà, được chăm sóc sơ sài nên có tình trạng con chết, mẹ chết. Trách nhiệm và tình thương đối với đồng bào, các cô đỡ thôn bản đã không ngại gian khó, không chút đòi hỏi lợi ích cá nhân, đêm hôm khuya khoắt hoặc bất cứ thời điểm nào trong ngày, khi có yêu cầu là họ có mặt để các bà mẹ không phải “vượt cạn” một mình, để cho mỗi ca sinh nở là một lần “mẹ tròn con vuông”, xua đi nỗi bất hạnh, đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình.
Chia sẻ tại Hội nghị biểu dương “cô đỡ thôn bản” tiêu biểu trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế tổ chức, chị Thào Thị Se, 30 tuổi người Mông ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết: Trước kia những “cô đỡ thôn bản” được phụ cấp mỗi tháng 200.000 đồng, từ năm 2017 tiền phụ cấp này không còn. Tuy vậy, gắn bó với việc khám thai, đỡ đẻ đã 5 năm nay nên mỗi khi bà con gọi, chị đều không từ chối. Trong vòng 5 năm, chị Se đã đỡ đẻ tại nhà cho 55 ca, phát hiện chuyển viện kịp thời nhiều ca khó, nguy hiểm như ngôi ngang, chuyển dạ đẻ non, tiền sử sản giật, chuyển dạ kéo dài… Khi được hỏi về quà cáp của gia đình sản phụ sau khi “mẹ tròn con vuông”, chi Se cho biết: “Khi đỡ đẻ cho họ nếu quý thì sau 3 ngày đặt tên cho con, họ gọi đến mời ăn cơm cùng, còn không thì không có gì. Em mong lãnh đạo các cấp quan tâm để tất cả các cô đỡ thôn bản chúng em đều có phụ cấp hàng tháng như những nhân viên y tế thôn, bản khác để chúng em có tiền mua xăng xe máy đi khám thai, tuyên truyền vận động cho bà con và tiền điện thoại để gọi điện nhờ trạm y tế và các thầy cô giáo mỗi khi em cần hỗ trợ”.
Câu chuyện của chị Thào Thị Se cũng là “chuyện hàng ngày ở bản” của những người tự nguyện làm thầy thuốc ở nơi vùng khó khăn. Ước muốn của họ thật giản đơn còn sự hy sinh thì thật lớn lao. Hy vọng chính sách đãi ngộ đối với họ sẽ ngày một tốt hơn, vì họ là những người rất xứng đáng được hưởng điều đó.