Đó là thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều qua 16/6.
Theo đó, trong 12 điểm úng ngập còn tồn tại năm 2020, có 6 điểm không giảm được úng ngập do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả và 6 điểm còn lại đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50%.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết trước đây trên các tuyến phố chính khu vực nội thành tồn tại 18 điểm úng ngập. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng đã rà soát và xác định còn 12 điểm úng ngập tại khu vực nội thành.
Trong đó, 6 điểm không giảm được úng ngập là: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long. 6 điểm đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% là: Đội Cấn, Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp. 4 điểm đã xóa bỏ được úng ngập là: Thanh Đàm, Nguyễn Chính, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng do các dự án đã triển khai hoàn thành phát huy hiệu quả thoát nước. Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết với cường độ mưa trong khoảng từ 50-100 mm/2h các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12/16 điểm úng ngập.
Về câu hỏi với những cây gẫy đổ trên địa bàn thuộc các cơ quan công sở, trường học trách nhiệm thuộc về ai? Ông Nguyễn Xuân Hanh, Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Công ty chỉ chịu trách nhiệm với các cây xanh thuộc các đường phố có tên. Còn cây ở công sở, trường học sẽ do chủ sở hữu các cây này chịu trách nhiệm, việc chăm sóc, cắt tỉa cũng như chặt hạ thuộc trách nhiệm của các đơn vị này. Trả lời câu hỏi về hàng cây phong trên đường Trần Duy Hưng trụi lá dù đã trồng một thời gian, ông Hanh cho biết, với mong muốn tăng thêm chủng loại cây, tạo điểm nhấn cho Thủ đô, Hà Nội đã mang loại cây có nguồn gốc từ vùng ôn đới về trồng. Do thổ nhưỡng, khí hậu khác nên cần có thời gian để sinh trưởng phát triển. Hiện hàng cây này đã bắt đầu bén rễ với vùng đất mới.