Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Nới tín dụng tiêu dùng

Thế Tuấn 05/12/2023 06:50

Dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen, thế nhưng loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều ứng dụng (app) cho vay xuất hiện lại càng khiến “con mồi sa bẫy”.

Đáng nói nữa là tín dụng đen nhiều khi đội lốt cửa hàng cầm đồ, công ty tài chính, kể cả công ty luật để bẫy người vay. Lãi suất cắt cổ cùng nhiều thủ đoạn truy bức, người vay bị đẩy tới đường cùng. Từ đó, trên mạng xã hội xuất hiện những nhóm rủ nhau “bùng nợ”, “xù nợ” càng làm cho tình hình thêm phức tạp.

Ở đời, nguyên tắc có vay có trả. Nhưng khi người vay bị lừa đậm thì “tức nước vỡ bờ”, có trường hợp hành hung cả nhân viên thu nợ của công ty tài chính. Nếu như hành vi cho vay nặng lãi (trên 20%/năm theo quy định pháp luật hiện hành) là bất hợp pháp, hành vi rủ nhau “bùng nợ” cũng góp phần gây ra sự méo mó thị trường cho vay tiêu dùng. Những công ty tài chính làm ăn nghiêm túc bị vạ lây.

Nhưng, do khó vay tiêu dùng từ ngân hàng nên nhiều người đánh liều “nhắm mắt đưa chân” tìm đến tín dụng đen.

Để kéo giảm tình trạng người dân bị tín dụng đen bủa vây, theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, ngành ngân hàng cần phải đẩy mạnh hoạt động cho vay, đặc biệt tập trung hỗ trợ người yếu thế. Ông Lệnh cũng cho rằng để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng cần nỗ lực từ cả hai phía, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay. Về phía người vay, cần xác định rõ nghĩa vụ vay là phải trả, trong khi các tổ chức tín dụng cần phải làm tốt hơn nữa cả về thủ tục lẫn lãi suất vay. Một khi ngành ngân hàng làm tốt thì đương nhiên người vay sẽ chọn lựa vay ở các tổ chức tín dụng chính thống, được cấp phép, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Trong khi đó, theo TS Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), để hạn chế tín dụng đen thì cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay. Kiểm soát lãi vay với việc áp dụng lãi suất trần các khoản vay tiêu dùng sẽ giúp hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của bên đi vay.

Không kể đến tín dụng đen, ở ta hiện nay mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn cao, khi các công ty tài chính áp dụng từ 40 - 50%/năm, cá biệt có trường hợp lãi vay lên đến 85%/năm. Trong khi đó, tại Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm. Ở Ấn Độ, khoảng 12 - 48%/năm. Tại Brazil 30 - 70%. Tại Mỹ khoảng 8 - 36%/năm; Trung Quốc từ 10 - 40%/năm.

Nếu như mức lãi suất 85%/năm của các công ty tài chính (được cấp phép) so với lãi suất tín dụng đen lên tới vài trăm phần trăm, thì có vẻ ổn. Nhưng thực tế vẫn khó có thể chấp nhận, nhất là với người nghèo, thu nhập thấp.

Tín dụng đen vẫn bủa vây cho dù cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc xử lý. Nới tín dụng tiêu dùng cũng là cách để chống lại nạn tín dụng đen. Rất quan trọng các tổ chức tín dụng, công ty tài chính (được cấp phép) cần phải được giới hạn trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nới tín dụng tiêu dùng