Tăng giờ làm thêm theo tháng, theo năm - vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp (DN), người lao động và cả những người quản lý, cơ quan xây dựng luật cũng như cơ quan thẩm tra.
1.Có thâm niên cả chục năm tại Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội, Tổng Công ty May 10 (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội), Nguyễn Thị Thương đã quen với việc tăng ca. Đang phục vụ đơn hàng gấp, dạo này cô và các chị em trong dây chuyền đã thống nhất cùng làm thêm 2 giờ/ngày, đến hết tháng 3 để chạy kịp lô hàng. Thông thường, mỗi dịp lắm đơn hàng, Thương sẽ chỉ tăng ca 1 tiếng/ ngày; nhưng do sau Tết nhiều công nhân trong phân xưởng bị F0 nên giờ làm thêm của cô tăng lên gấp đôi. Trong 2 tiếng làm thêm cuối ngày đó, Thương nhận mức lương cao gấp rưỡi (150%) so với lương cho 8 giờ làm chính thức trong ngày.
Ngoài ra, cô cũng có thêm khoản phụ cấp, thưởng định mức, được thêm một bữa ăn ca, bữa phụ… trong ngày. Trung bình lương mỗi tháng của Thương được hơn 9 triệu đồng. Tháng nào làm thêm khoảng 1 tuần, mỗi ngày 1-2 tiếng thì thu nhập tháng lên được mức 12-12,5 triệu đồng. Nếu làm thêm 72 giờ/tháng thì thu nhập của một lao động như Thương có thể đạt mức 13-14 triệu đồng. "Dịch dã suốt như này, nghỉ làm sớm. Tầm 5h chiều về thì cũng đi đâu được, biết làm gì. Tôi tính cố lên chút, làm thêm để có thêm tiền tích lũy, lo cho các con thì hữu ích hơn. Tôi thấy sức khỏe vẫn có thể đáp ứng được mức làm như thế" - Thương nhẩm tính.
Lựa chọn của chị Phạm Thu Phượng, đã ngoài 40 tuổi, thì lại khác. Tự nhận bản thân đã lớn tuổi, không như các em trẻ, chị khá cân nhắc mỗi đợt công ty huy động làm tăng ca, dù đều được trao đổi rõ ràng về thù lao, chế độ đãi ngộ, cũng hiểu tiền lương làm ngoài giờ tính khác, tốt hơn hẳn tiền làm trong 8 giờ chính thức mỗi ngày. Lâu nay vẫn nhận làm tăng ca thường xuyên nhưng chị Phượng chỉ chọn mức làm thêm 1 tiếng, từ 17-18h chiều. Chị Phượng giải thích: Nếu giờ tăng thời gian làm lên 2-3 tiếng/ngày, tôi cũng sẽ cân nhắc, nghe ngóng sức khỏe đã, ổn tôi mới làm.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Catalan (chuyên sản xuất gạch ốp lát, khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh) Nguyễn Văn Nguyên khái quát tình hình, 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Năm 2021, nằm ở "điểm nóng" Yên Phong, công ty phải dừng, giãn việc kéo dài khi thực hiện giãn cách xã hội. Bước sang năm 2022, nhiều thời điểm, công ty thiếu nhân lực cục bộ vì nhiều lao động trở thành F0.
Là một đơn vị có thế mạnh làm hàng xuất khẩu, chiếm tới 15% thị phần xuất khẩu gạch ốp lát tại Việt Nam, lúc này, DN trông đợi hơn cả đề xuất "cấp cứu" là tăng giờ làm thêm để chạy đua cho những đơn hàng xuất đi châu Âu, thị trường khó tính, đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục, nội dung đã ký kết.
Thực tế hiện nay, DN đã triển khai những đợt tăng ca trong mỗi tháng với thời lượng làm thêm khoảng 2 giờ/ngày với người lao động. Dây chuyền sản xuất đã tự động hóa nhiều, hầu hết các công đoạn, công nhân chỉ phải bấm nút, vận hành máy móc nên nhìn chung "chưa thấy người lao động kêu làm việc quá sức".
Nói về đề xuất nới trần giờ làm thêm từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, tức thay vì thời lượng tăng ca 2 giờ, người lao động có thể phải làm thêm tới 3-4 giờ mỗi ngày, ông Nguyên khẳng định DN đã từng vận hành với điều kiện tương tự. Cụ thể, khi cần thiết, việc tổ chức 3 ca đã được chuyển thành 2 kíp/ngày, mỗi kíp làm việc như vậy kéo dài 12 giờ, người lao động sẽ có những ngày nghỉ xen kẽ ngày làm việc dài hơi. Công nhân thậm chí thích hơn cách chia kíp như vậy thay vì làm ca.
"Chúng tôi kiến nghị chỉ quy định kiểm soát, giới hạn giờ làm thêm theo năm, không nên khống chế theo tháng, để DN có thể linh hoạt, chủ động hơn trong vận hành vì hầu hết các ngành nghề sản xuất đều có tính mùa vụ, thường tập trung vào những thời điểm nhất định. Vậy nên nếu được linh hoạt sử dụng số giờ làm thêm theo năm sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất" - ông Nguyên nêu quan điểm sau khi phân tích.
2.Tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, tại phiên họp chiều 10/3.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nghị quyết về giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động được kết cấu thành 2 điều, với nội dung cơ bản như sau: Nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động. Các quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ ngơi (nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca...), tiền lương tuân thủ theo Bộ luật Lao động.
Chủ tịch Công đoàn Công ty điện tử Goertek (Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh) Phạm Văn Trung cho biết, đại bộ phận công nhân của công ty đều muốn được tăng ca nhiều hơn. 65-70% trong tổng số 32.000 công nhân làm việc tại đây đều đến từ các tỉnh phía Bắc hoặc từ khu vực Bắc Trung bộ ra đi làm để kiếm tiền. Xác định mục tiêu rõ ràng như vậy nên người lao động rất mong được nới giới hạn giờ làm thêm để tăng hiệu quả thu nhập. Như vậy đa phần người lao động, giới chủ, công đoàn của nhiều DN đều bày tỏ đồng tình với ý kiến của cơ quan trình phương án; còn ý kiến của cơ quan thẩm tra thì sao?
Thẩm tra của Ủy ban Xã hội do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh trình bày cho rằng, dịch Covid-19 đã để lại ảnh hưởng tiêu cực lớn đến nhiều DN, người sử dụng lao động khi chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng cùng hàng loạt đơn hàng bị đứt gãy, đình trệ… vì thế, tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay được nhìn nhận và đánh giá như một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động trong hơn 2 năm vừa qua.
Sau khi thẩm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng và rà soát các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ) các đối tượng không áp dụng mức trần giờ làm thêm trong năm hiện được pháp luật quy định. Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%.
Đồng thời, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng). Đây cũng là ý kiến của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật. Đồng thời, đại điện công đoàn đề nghị không áp dụng chính sách đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, công việc nặng nhọc, độc hại...
Nêu quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khỏe của người lao động, điều kiện của người lao động, việc tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng, 1 năm của người lao động phải thỏa mãn các yêu cầu là thỏa thuận bình đẳng, công khai, không được áp đặt; bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người lao động và người lao động phải được trả công xứng đáng theo thỏa thuận.
Đồng tình với việc tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng nhưng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, điều này phải được sự đồng ý của người lao động, đồng thời, cần có chế độ tiền lương tương xứng với thời gian làm thêm kéo dài hơn và không áp dụng với toàn bộ các ngành, nghề.
3.Như vậy, việc tăng giờ làm thêm theo tháng, theo năm cơ bản nhận được sự nhất trí của các bên và các bên đã có nghiên cứu, tiếp thu, có quyết định cho phù hợp tại phiên họp ngày 24/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hy vọng rằng, việc nới giờ làm thêm trong giai đoạn này sẽ góp phần giúp cho nhiều DN lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian “ngủ đông” vì Covid-19.