Đã từ rất lâu, hàng trăm hộ dân ở khu vực dốc Tam Đa, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) lại đang phải sống chung với một con mương mà sự ô nhiễm của nó đã trên mức báo động. Mùa hè đang về, cùng với đó là dịch bệnh do virus Zika bắt đầu xuất hiện càng khiến nỗi lo của người dân ở nơi “nguy cơ trở thành ổ dịch” tăng mạnh.
Từ lâu dòng mương Tam Đa đã biến thành dòng mương chết.
Cơn ác mộng của người dân
Mương Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội)- một nhánh sông Tô Lịch cũ, nay là đường thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ. Tuyến mương lộ thiên này chạy dài từ dốc La Pho (gần dốc Ngọc Hà) đến chợ Bưởi trước khi đổ ra sông Tô Lịch. Nằm ngay cạnh khu chợ dốc Tam Đa, con mương từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh, “cơn ác mộng” của cư dân nơi đây.
Bà Trần Thị Phương Hoa, một tiểu thương ở chợ Tam Đa cho biết, con mương đen kịt này đã “gắn bó” với người dân ở đây cũng đến mấy chục năm.
“Ngày nào cũng ngồi bán hàng ở ngay cạnh con mương, thành ra cái mùi hôi thối nó cũng trở nên…quen rồi. Rác thải các loại trôi lềnh phềnh, mặt con mương lúc nào cũng đặc quánh một màu đen kịt. Ngày mưa, nước dâng lên, rác rưởi tràn cả vào nhà dân, khủng khiếp vô cùng. Nói ra chắc chẳng ai tin người dân sống giữa thủ đô mà phải chịu cảnh này”- bà Hoa than thở.
Sống bên dòng mương này cũng tới 50 năm có lẻ, ông Trần Văn Lưỡng- cư dân ở dốc Tam Đa cho biết, lúc nào cũng phải đóng cửa im ỉm vì không thể chịu nổi mùi thối bốc lên.
Theo lời ông thì ngày nào cũng có nhân viên từ Công ty Thoát nước Hà Nội đến thu gom rác, nhưng chẳng hiểu sao, sáng rác vừa được gom xong, chiều mặt mương lại nổi lềnh phềnh tất các loại đồ phế thải…cùng mùi xú uế bốc lên nồng nặc.
“Hôm nào cũng vậy, không chỉ nhân viên môi trường làm việc, bà con chúng tôi phải dùng sào vớt rác lên, nhưng chỉ được một lúc, đồ phế thải từ đâu lại tuồn ứ hết về đây”- ông Lưỡng cho hay.
Theo quan sát của chúng tôi, do đây là khu vực tập trung chợ và một số hộ chế biến thực phẩm... nên cùng với chất thải trôi về thì chính những người dân sống gần con mương này cũng chung tâm lý “đã bẩn cho bẩn luôn”. Lượng rác và nước thải đổ xuống lòng mương ngày càng lớn. Khu vực ô nhiễm nhất phải kể đến đoạn từ dốc La Pho đến cống chợ Tam Đa.
“Kể cũng lạ, ngay giữa trung tâm thủ đô lại tồn tại một con mương ô nhiễm, bẩn thỉu, hôi thối từ bao lâu nay, vậy mà cơ quan chức năng không hề có động thái gì nhằm cải thiện tình trạng này để người dân phải sống khổ sống sở cùng ô nhiễm. Đã có không ít người đã bị mắc các bệnh về hô hấp hoặc không chịu nổi cảnh ô nhiễm đã phải chuyển nơi khác sinh sống” - chị Lại Hồng Minh, một tiểu thương ở chợ Tam Đa bức xúc.
Người ta về đo, đo xong rồi đi
Hỏi người dân có thấy chính quyền thông báo gì về dự án cải tạo dòng mương này không? Chị Minh sốt sắng bảo: Có, mấy năm trước chúng tôi cũng thấy có cơ quan chức năng đến đo đạc, cứ tưởng là người ta sẽ xây haydựng kè mương làm nắp cống cho dân đỡ khổ, thế nhưng họ đo rồi lại…mất tăm, chẳng thấy động tĩnh gì nữa. Chị cũng cho biết thêm, nhiều lần tiếp xúc cử tri, các hộ dân ở khu dân cư này cũng đề xuất chính quyền phải giải quyết tình trạng này cho dân nhưng rồi cũng chẳng thấy đâu.
Theo lãnh đạo phường Thụy Khuê thì, con mương này vốn đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm nặng nề hơn do sự thiếu ý thức của bà con ở xung quanh đây, nhiều hộ dân không có bể phốt, mọi chất thải chưa được xử lý đều thải trực tiếp xuống lòng mương. Nước thải cùng với rác thải ném xuống vô tội vạ gây tắc cống khiến nước bị dồn ứ và dâng lên mỗi khi mưa lớn.
Điều đáng quan ngại, sự ô nhiễm đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt khi dịch Zika đã xâm nhập vào Việt Nam. Theo phản ánh của người dân nơi đây, muỗi sinh sôi nảy nở nhiều đến mức nhiều gia đình lúc ăn cơm cũng phải mắc màn. “Y tế phường cũng thỉnh thoảng tổ chức phun thuốc muỗi nhưng cứ như ném đá ao bèo, phun hôm trước hôm sau muỗi lại dày đặc”- bà Ngọc, một hộ dân sống ngay dòng mương này cho biết.
Đội ngũ công nhân môi trường cũng phải căng mình mỗi khi làm nhiệm vụ thu gom rác ở dòng mương này. Chị Hoa, công nhân môi trường cho biết, cứ dọn sạch rác được một ngày, hôm sau lượng rác lại được người dân quăng xuống, dồn ứ quá nhiều dưới lòng mương khiến anh chị em công nhân không làm xuể. Ô nhiễm một phần cũng do người dân, biển thông báo cấm đổ rác đặt ngay trên lòng mương, thế nhưng người ta vẫn thản nhiên xả rác ra đây.
Có lẽ cũng là cuộc mưu sinh, dưới lòng mương ô nhiễm như vậy, nhưng bên cạnh đó là chợ Tam Đa, và người ta bán đủ loại thức ăn phục vụ cho khu dân cư, từ sống đến chín, đủ cả. Thế là, đoạn mương kéo dài khoảng 3km này vẫn ngày ngày hứng đủ thứ rác thải, nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân phường Thụy Khuê sống quanh con mương này và rác thải do các tiểu thương tại chợ Tam Đa thải ra. Hàng trăm đường ống nước thải cắm thẳng vào dòng mương này khiến nhiều người liên tưởng đây như một cái “bể phốt lộ thiên” vậy.
Được biết, hơn 10 năm trước UBND TP Hà Nội có Quyết định số 13/QĐ-UB ngày 4/1/2005, phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê, đoạn từ dốc La Pho đến cống Đõ. Nhưng 11 năm nay người dân vẫn trông ngóng mà không thấy cán bộ nào xuống đây khảo sát, đo đạc nữa.
Được biết dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” đoạn từ dốc La Pho đến cống Đõ có từ cuối năm 2012 do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư. Quy mô dự án: Cống hóa mương Thụy Khuê bằng hệ thống cống hộp 2 làn, mặt đường rộng trên 5m, có vỉa hè 2 bên, hệ thống cấp nước, chiếu sáng trên mặt cống…Thế nhưng, đã 4 năm, người dân nơi đây vẫn mỏi cổ ngóng chờ mà chưa thấy dự án triển khai. |