Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, truy tố, xét xử nghiêm minh. Tinh thần không chùng xuống, không có ngoại lệ tiếp tục được Đảng khẳng định.
Chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng
Nhìn nhận về cuộc chiến PCTN trong thời gian qua, nói với ĐĐK, ông Phạm Trường Dân- ĐBQH khóa XIII cho biết: Thời gian qua công tác PCTN đã được đẩy mạnh tại các cấp. Đặc biệt là vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Theo ông Dân, từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII của Đảng cho đến nay việc phòng ngừa đấu tranh, PCTN của Đảng, Nhà nước rất quyết liệt, không có vùng cấm, không có “chỗ dựa”, không có “điểm tựa”. “Để có thể tham nhũng, trong giai đoạn trước đây rất nhiều người có những “điểm tựa” để “chống lưng”. Những “ô dù” này “ép” xuống dưới nhằm tạo điều kiện cho những cá nhân tham nhũng. Tuy nhiên lần này nhờ sự quyết liệt chỉ đạo từ trên cấp cao nên đã không có những “điểm tựa”. Nhờ vậy sự quyết liệt đã thấy rõ sự chuyển biến trong công tác PCTN. Nhiều vụ án lớn đã được phát hiện, truy tố và xét xử nghiêm minh”, ông Dân nói.
Theo ông Dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã để lại những dấu ấn đậm nét trong vai trò chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN một cách rất quyết liệt. Đặc biệt, sự vào cuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có công rất lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh PCTN. Nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xem xét, kết luận và chuyển cho Bộ Công an điều tra làm rõ.
Cho rằng công tác PCTN đã có sự cương quyết từ “bên trên”, tuy nhiên theo ông Dân, điều lo nhất vẫn là ở dưới cơ sở vẫn “chưa nóng”, tình trạng tham nhũng “vặt” vẫn đang phổ biến dưới cơ sở. “Những con trâu, con bò đi lạc vào nhà quan đang làm mất đi niềm tin lớn của nhân dân”, ông Dân nói.
Và theo ông, nguyên nhân là do cấp ủy địa phương bao bọc, xử lý nhẹ, bỏ qua, chưa quyết liệt. Ông Dân phân tích: “Dù vụ án tham nhũng tại cơ sở chỉ vài chục triệu đồng song người dân thấy rằng cần phải trừng trị nghiêm minh. Tuy nhiên một số nơi vẫn xuê xoa, xử lý nhẹ. Nếu như vậy thì làm sao chống được tham nhũng. Trung ương quyết liệt nhưng cấp tỉnh, cấp huyện chưa quyết liệt nên tham nhũng vặt vẫn còn “có đất sống”, và khiến người dân phải phàn nàn”. Cho nên theo ông Dân, xử lý tham nhũng vặt cần phải quyết liệt, triệt để hơn trong thời gian tới.
Nêu gương để chỉnh đốn Đảng
Muốn PCTN, nói với ĐĐK, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Cần phải gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh thì cuộc đấu tranh “trong nội bộ” là vấn đề sống còn trong mỗi tổ chức Đảng. Chỉ khi nào nhìn thẳng vào sự thật, dám nói sự thật, loại bỏ những đảng viên thóa hóa biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới làm cho Đảng thực sự vững mạnh, tránh mọi tác nhân bên trong cũng như bên ngoài. Muốn vậy phải bắt đầu từ việc loại bỏ những cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức yếu kém, tham nhũng.
Nhớ lại thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, cách đây tròn 75 năm với chỉ gần 5.000 đảng viên, ông Sửu cho rằng: Lúc bấy giờ các đảng viên luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Đó là bài học trong mọi hoàn cảnh, phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới. Cho đến nay bài học đó vẫn còn nguyên giá trị, và đó là bài học lớn cho Đảng trong công tác xây dựng Đảng, chính là sự gương mẫu của đảng viên.
Theo ông Sửu, thực tế cho thấy những chỗ nào đảng viên gương mẫu thì phong trào quần chúng tốt. Chỗ nào đảng viên không gương mẫu là ảnh hưởng đến chất lượng phong trào ở nơi đó. Chính vì thế Trung ương mới có Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. Nói mà không làm gương làm sao lôi kéo được quần chúng nghe theo. Chính vì vậy, muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay, nhất định phải chống tham nhũng một cách triệt để, quyết liệt như “tinh thần của Cách mạng Tháng Tám”. Cho nên từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa trong nội bộ” cần được triển khai mạnh mẽ.
Kỷ luật nghiêm minh sẽ làm cho Đảng vững mạnh
Ông Sửu cho rằng PCTN không phải đến nay mà là chủ trương từ lâu của Đảng từ Đại hội IV, đến Đại hội V và VI thì càng được đẩy mạnh với những chủ trương chống tiêu cực, chống tham nhũng. Trong thời gian gần đây, nhất là sau Đại hội XII, công tác đấu tranh PCTN đã làm tích cực, có hiệu quả hơn. Tại Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã luôn quan tâm đến việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau này Trung ương có những nghị quyết sâu, toàn diện và sát thực tế hơn, phát động quần chúng tham gia để nghị quyết ngày càng đi vào cuộc sống.
Theo đánh giá của ông Sửu, trong thời gian qua đã có nhiều cán bộ đảng viên cao cấp và đảng viên thường bị xử lý kỷ luật, cho thấy Đảng ngày càng nghiêm minh trong xử lý cán bộ mắc vi phạm. Song cần phải xử lý nghiêm minh hơn nữa để “loại bỏ” những cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức yếu kém, tham nhũng. Sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng càng làm cho Đảng trong sạch dần lên. Khi nào Đảng thực sự trong sạch lúc đó quyền lực, uy tín của Đảng ngày càng nhận được sự tin tưởng của nhân dân.
Ông Sửu nói: “Hiện nay đảng viên của chúng ta đông nhưng có một bộ phận không nhỏ thiếu gương mẫu, có những sai phạm càng khiến quần chúng thiếu niềm tin vào Đảng. Cuộc đấu tranh này còn phức tạp, lâu dài, không chỉ vài ba vụ án có thể xong mà là cả một quá trình xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, và tổ chức. Làm sao cho Đảng trong sạch vững mạnh thì lúc đó mới phát huy hết được vai trò của nó. Những thế lực thù địch không thể lợi dụng sự thiếu sót để đả kích, nói xấu, chống đối. Các thế lực chẳng qua lợi dụng một số khiếm khuyết của một số cán bộ đảng viên vi phạm để bôi nhọ xuyên tạc về Đảng. Khi các đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, hy sinh cho đất nước như đảng viên trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám thì không thế lực thù địch nào có thể chống phá”.
Ông Sửu cũng đánh giá, sở dĩ thời gian qua công tác PCTN đạt được những kết quả tích cực là do đường lối của Đảng xác định “chống từ trong Đảng chống ra”. Nghĩa là làm trong sạch đội ngũ của Đảng thì mới chống được tham nhũng. Đây là điểm mới của những đại hội gần đây của Đảng, nhất là đại hội XI và XII.
“Trước làm từ dưới làm lên, nhưng giờ là từ trên trở xuống. Từ cấp cao nhất của tổ chức bộ máy trong Đảng. Đó là điều đúng đắn và chính xác vì chống tham nhũng phải chống từ trong Đảng, chống từ trên chống xuống. Lâu nay chúng ta hay chống từ dưới lên thành ra khó hiệu quả. Vì ở dưới phát hiện ra nhưng ở trên không trong sạch thì sao mà chống được”, theo ông Sửu.
Loại bỏ cán bộ “chạy chọt”
Chỉ ra thực tế hiện chúng ta có hơn 5 triệu đảng viên nhưng, trong đó có một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất, thiếu gương mẫu, không làm tròn trách nhiệm của người đảng viên, vụ lợi, tính toán cho cá nhân, giàu lên nhanh chóng, ông Sửu cho rằng: Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải kiên quyết loại bỏ những thành phần cán bộ, đảng viên gian lận bằng cấp để leo lên cấp nọ, cấp kia, chạy chọt, mua quan bán chức. Bởi những đảng viên như vậy càng gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, không thể là tấm gương cho quần chúng nhân dân đi theo và nghe theo.
Trong khi đó, nhắc đến trong thực tế có những việc thuộc trách nhiệm cấp ủy chính quyền cơ sở tuy nhiên có vụ việc xử lý chậm, có vụ xử lý nhẹ, có vụ lờ đi không xử lý, ông Phạm Trường Dân cho rằng: Để xảy ra tiêu cực ở cấp cơ sở là rất nguy hiểm. Do đó, thời gian tới cần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa trong nội bộ” để tiếp tục đưa công tác PCTN đi vào chiều sâu, hiệu quả, đến nơi đến chốn.
“Từ hơn 100 cán bộ có sai phạm bị kỷ luật trong thời gian qua, đừng để những người “có vấn đề” vẫn lọt, leo cao, trèo sâu vào trong Trung ương. Cho nên vấn đề quy hoạch cán bộ, điều động cán bộ để chuẩn bị cho đại hội XIII của Đảng cần hết sức chặt chẽ, kiểm soát thật kỹ cán bộ. Quy hoạch cán bộ cho Trung ương phải làm thật tốt, đừng để lọt những người “có vấn đề” như những năm vừa qua”- ông Dân nói.
Tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN khẳng định, cùng với những kết quả đạt được quan trọng về phòng, chống dịch bệnh, kinh tế, xã hội, đối ngoại, thì công tác xây dựng Đảng và PCTN tiếp tục được dư luận, nhân dân, cán bộ, đảng viên đồng tình, đánh giá cao, nhất là vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Từ kết quả thực tế 6 tháng đầu năm khẳng định rõ ràng công tác PCTN không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, bài bản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, hiệu quả hơn.