Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Nóng bỏng cuộc chiến chống tham nhũng

Ngọc Quang 07/01/2024 11:29

Ngay trong những ngày đầu tiên năm mới 2024, nhiều vị lãnh đạo địa phương đã bị khởi tố bắt tạm giam, đồng thời vụ đại án Việt Á cũng được mang ra xét xử. Điều đó cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ngày một nóng bỏng.

anh-2-bai-dai-an.jpg
Các bị cáo Trương Huệ Vân và Trương Mỹ Lan trong vụ Vạn Thịnh Phát.

“Nóng” ngay từ đầu năm

Ngày 2/1/2024, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an, thông tin: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp - chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để điều tra những sai phạm trong một dự án đất đai trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị bắt trong quá trình Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.

Vụ án này thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào tội "nhận hối lộ". Ông Hiệp bị bắt khi đương chức.

Chiều 2/1/2024, lực lượng chức năng đã xuất hiện tại khu vực nhà riêng ông Trần Văn Hiệp (đường Yersin, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Ở một đại án khác, ngày 3/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 2 cựu bộ trưởng và 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan.

2 cựu Bộ trưởng được đưa ra xét xử là ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) bị truy tố tội “nhận hối lộ”; và ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) bị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cùng đó, một loạt vụ trưởng, vụ phó; cán bộ UBND tỉnh, tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành cũng bị xét xử.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á về các tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "tham ô tài sản", "nhận hối lộ" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày.

Cùng thời gian này, một thông tin khác cũng rất đáng chú ý đó là việc cựu và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã nộp 45 tỷ đồng (mỗi người 22,5 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả thiệt hại của dự án Hạc Thành Tower.

Trước đó, ngày 16/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án để tiến hành các hoạt động điều tra liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Dự án Hạc Thành Tower. Ngày 29/12/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định khởi tố bị can, ra lệnh khám xét nhà và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Trịnh Văn Chiến (giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020; đã bị cách hết các chức vụ trong Đảng) về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Bị can Nguyễn Đình Xứng cũng bị khởi tố cùng tội danh như bị can Trịnh Văn Chiến.

anh-3-bai-dai-an.jpg
Bị cáo Hoàng Văn Hưng trước tòa trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

“Điểm mặt” những đại án trong năm 2023

Như vậy, với những động thái ngay từ đầu năm cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 sẽ rất nóng bỏng; tiếp nối một năm trước đó với hàng loạt vụ việc tiêu cực rất lớn đã bị phanh phui, xét xử. Năm 2023, nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử. Hàng loạt cán bộ vi phạm bị xử lý hình sự với những bản án nghiêm khắc.

Có thể kể đến một số vụ nổi bật thu hút sự chú ý và nhận được sự đồng tình cao của xã hội.

Trước hết, đó là “chuyến bay giải cứu”, phiên xét xử sơ thẩm diễn ra từ 11/7 đến 28/7/2023, tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Trong số 54 bị cáo có cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; 1 cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; 1 cựu Phó Chủ tịch TP Hà Nội; 1 cựu Cục trưởng; 2 cựu Phó Cục trưởng...

Tại phiên xét xử sơ thẩm, có đến 4 bị cáo bị tuyên án tù chung thân là Phạm Trung Kiên (giúp việc cho một lãnh đạo của Bộ Y tế); Vũ Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an); Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao); Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an).

Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 15 tháng tù treo đến 18 năm tù giam.

Tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra vào cuối tháng 12/2023, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã giảm nhẹ hình phạt cho 17 bị cáo trong tổng số 21 bị cáo kháng cáo.

Đại án này diễn ra vào thời điểm dịch Covid-19 đưa công dân về nước diễn ra căng thẳng, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng. 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến Covid-19, từ 27 đến 29/12/2023, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã đưa ra xét xử 4 cựu sĩ quan Học viện Quân y và 3 bị cáo khác trong đại án Việt Á, phần do quân đội giải quyết.

Trước đó, từ ngày 27/6 đến 29/6/2023, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) hầu tòa cùng các thuộc cấp là Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng); Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy); Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị)... Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn bị tuyên phạt 16 năm tù về tội tham ô tài sản, chỉ đạo cấp dưới "rút ruột" 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách mua sắm vật tư, thiết bị. Các bị cáo khác cũng đã phải chịu những bản án nghiêm khắc, từ 10 năm tù đến 16 năm tù giam.

Một đại án khác cũng nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận, đó là “đại án AIC”, với “trùm đấu thầu” Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người được cho là “đấu đâu thắng đó”. Cuối tháng 12/2022 đến đầu tháng 1/2023, Tòa án nhân TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan. Theo bản án sơ thẩm, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ cho các quan chức tỉnh Đồng Nai như Trần Đình Thành - cựu Bí thư tỉnh ủy (14,5 tỷ đồng), bị tuyên 11 năm tù; Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch UBND tỉnh (14,5 tỷ đồng), bị tuyên 9 năm tù; Phan Huy Anh Vũ - cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ (14,8 tỷ đồng); bị tuyên 19 năm tù... Sau khi trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, AIC nâng khống giá các gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước 152 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn dính và nhiều vụ án khác, nhưng riêng vụ này đã bị bị xử phạt 30 năm tù, hiện “trùm đấu thầu” vẫn đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.

Một vụ án nghiêm trọng khác được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử 22 bị cáo vào hồi tháng 10/2023. Đó là vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74km) dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong vụ án này, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trần Văn Tám lĩnh 5 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VEC, Mai Anh Tuấn bị phạt 42 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 6 năm tù giam.

Đại án “khủng” nhất chính là vụ Vạn Thịnh Phát, với “nữ đại gia” Trương Mỹ Lan.

Tháng 12/2023, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 bị can trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị liên quan.

Trong số 86 bị can, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội danh: đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản. Nữ đại gia này bị cáo buộc sử dụng hệ sinh thái khoảng 1.000 công ty để lập khống các hợp đồng tín dụng, rồi rút 1 triệu tỷ đồng ra khỏi Ngân hàng SCB, từ đó chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng.

Để che đậy hành vi phạm tội, bà Trương Mỹ Lan đã chi rất nhiều tiền và quà tặng giá trị cho toàn bộ 18 thành viên đoàn thanh tra, trong đó “lót tay” bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) 5,2 triệu USD (tương đương gần 130 tỷ đồng). Cơ quan chức năng đánh giá, đây là khoản nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay của các cựu quan chức.

Trước đó, ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng bỏng cuộc chiến chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO