Nóng bỏng cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực

Thế Tuấn 05/10/2022 06:00

Ngày 3/10, sau phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Trung ương đã thảo luận và quyết định một số nội dung về công tác cán bộ. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng 1 người và biểu quyết, thống nhất để 3 người thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, 7 Ủy viên Trung ương Đảng đã lần lượt nhận các hình thức kỷ luật Đảng gồm cách chức, thôi chức, khai trừ Đảng. Đó là các ông: Trần Văn Nam (SN 1963) - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Ông Nam đã bị khởi tố, bắt tạm giam (tháng 7/2021) và tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 8/2022, TAND TP Hà Nội tuyên ông Nam lĩnh án 7 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ông Chu Ngọc Anh (SN 1965) - cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ngày 7/6/2022, ông Anh đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến vụ Việt Á.

Ông Nguyễn Thanh Long (SN 1966) - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngày 7/6/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Long về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến vụ Việt Á.

Ông Phạm Xuân Thăng (SN 1966) - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (ngày 3/10/2022), Ban Chấp hành (BCH) Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Thăng. Trước đó, ngày 17/9/2022, ông Thăng đã bị khởi tố, bắt tạm giam và khám xét về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến vụ Việt Á.

Ông Huỳnh Tấn Việt (SN 1962) - Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (ngày 3/10/2022), BCH Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để ông Việt thôi tham gia BCH Trung ương Đảng khoá XIII. Trước đó, ông Việt bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo.

Ông Nguyễn Thành Phong (SN 1962) - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (ngày 3/10/2022), BCH Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để ông Phong thôi tham gia BCH Trung ương Đảng khóa XIII. Trước đó, vào tháng 7/2022, ông Phong bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo.

Ông Bùi Nhật Quang (SN 1975) - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), BCH Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để ông Quang thôi tham gia BCH Trung ương Đảng khóa XIII. Trước đó, ông Quang đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, càng cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm và đó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Ngày 30/6/2022, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, cho thấy trong vòng 10 năm, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tính đến tháng 6/2022).

Trở lại với việc 4 nguyên Ủy viên Trung ương bị thi hành kỷ luật Đảng và cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lần này càng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực rất nóng. Mọi khuyết điểm, tội lỗi đều không thoát khỏi kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, thời gian cũng không thể giúp xóa dấu vết cho dù người đó ở vị trí công tác nào.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói về việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm. Ngày 23/6/2022, tiếp xúc cử tri Hà Nội, một lần nữa dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây”, Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, có lý, có tình, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

“Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng bỏng cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực