Hà Nội lấy phiếu khảo sát ý kiến giáo viên về phương án thi 3 hay 4 môn vào lớp 10 THPT. Hàng loạt trường top trên, các trường THPT chuyên thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cùng lịch thi thử… Những thông tin này càng khiến thí sinh và phụ huynh thêm nóng lòng, sốt ruột, mong muốn sớm có phương án thi vào 10 để ổn định tâm lý ôn tập.
Tính toán thi thử, mua hồ sơ trường tư dự phòng
Đến thời điểm này, các trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, THPT Chu Văn An, THPT chuyên Đại học (ĐH) Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024.
Về cơ bản, chỉ tiêu của các trường giữ ổn định như năm 2022, nhưng thí sinh không vì thế mà chủ quan bởi lượng hồ sơ đăng ký luôn cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu. Thống kê từ Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022, chỉ tiêu là 305 học sinh nhưng tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 5.477. Trong đó, lớp chuyên Tiếng Anh nhận được 1.928 hồ sơ cho 60 chỉ tiêu. Lớp chuyên Toán có 948 thí sinh đăng ký cho 70 chỉ tiêu.
Để chuẩn bị cho cuộc đua vào lớp 10, nhiều trường cũng tổ chức các cuộc thi thử để thí sinh có dịp cọ xát thực tế. Theo đó, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm tổ chức 3 đợt thi thử vào ngày 9/3, 6/4 và 4/5. Hai đợt thi đầu được tổ chức trực tuyến qua Zoom, đợt 3 kết hợp với thi trực tiếp.
Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) thông báo tổ chức 2 đợt thi thử. Đợt 1 vào ngày 18 - 19/2 với các môn gồm Toán, Ngữ văn và môn chuyên (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học) với mức phí 150.000 đồng/môn.
Năm nay, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức 3 đợt thi thử vào lớp 10 trong các ngày 19/2, 19/3 và 16/4. Thí sinh sẽ thi 3 môn: Đánh giá năng lực Ngoại ngữ (thi bằng tiếng Anh, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn); Đánh giá năng lực Toán - Khoa học tự nhiên; Đánh giá năng lực Văn - Khoa học xã hội.
Bên cạnh đó, các trường ngoài công lập như Nguyễn Siêu, Archimedes, Lômônôxốp, Marie Curie, Newton, Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, FPT…. cũng thông báo chỉ tiêu, thông báo các đợt thi thử, thậm chí bán hồ sơ để phụ huynh đặt cọc, giữ chỗ. Ngày 9/2 vừa qua, Trường THCS &THPT Tạ Quang Bửu đã bắt đầu mở bán hồ sơ vào lớp 10 năm học 2023- 2024. Nhiều phụ huynh đã có mặt từ rất sớm mua hồ sơ cho con để chắc một suất vào cấp 3.
Vẫn loay hoay thi 3 hay 4 môn
Ngày 16/2, UBND TP Hà Nội đã lấy phiếu khảo sát xin ý kiến giáo viên về nội dung thi 3 hay 4 môn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024. Thông báo nêu rõ, để tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS theo quy định của Luật Giáo dục, thầy cô giáo lựa chọn phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Phiếu khảo sát đưa ra 3 phương án khảo sát gồm: Thi 3 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); thi 4 môn (Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ và môn thi thứ 4 bằng hình thức bốc thăm) và ý kiến khác.
Tuy nhiên, trên một số diễn đàn, những phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10 ở Hà Nội đã đề xuất phương án chỉ thi 3 môn như nhiều tỉnh, thành phố khác. Lý do là để giảm áp lực cho một kỳ thi vốn được coi là căng thẳng hơn thi tốt nghiệp THPT bởi mỗi năm, Hà Nội chỉ dành khoảng 60% suất học trường công. Với kỳ vọng của gia đình, nhà trường, mong muốn của bản thân… thì cuộc đua vào lớp 10 ở Hà Nội chưa khi nào hạ nhiệt dù ai cũng biết, nếu không trúng tuyển vào lớp 10 công lập vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác, như trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường nghề...
Nhìn lại thống kê trong 5 năm qua, chênh lệch giữa tổng số thí sinh dự thi và tổng chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội dao động từ hơn 18.600 đến hơn 31.400 em. Năm 2022, mức chênh lệch lên đến 29.500, mức cao nhất trong 4 năm gần đây. Đặc biệt, ở khu vực nội thành đông dân nhưng ít trường khiến cuộc đua vào lớp 10 công lập nóng bỏng, nhiều học sinh 7-8 điểm/môn vẫn trượt, tạo nên áp lực lớn cho cả thí sinh và phụ huynh.
Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, mọi học sinh đều có quyền được đi học, được tạo điều kiện học hết chương trình THPT ở các loại hình tương tự nếu không trúng tuyển vào trường công lập. Cha mẹ không nên quá áp lực với con cái bởi trong một kỳ thi, sẽ phải có người đỗ, người trượt. Quan trọng là động viên con ôn tập, cố gắng hết sức mình, chọn trường phù hợp với khả năng và có thêm những phương án khác để giảm áp lực cho trẻ. “Học tập là việc suốt đời. Trong trường hợp chưa đỗ vào lớp 10 ở trường mong muốn thì vẫn có những ngã rẽ khác mở ra” - ông Nhĩ nói.