Những ngày này nhiều người nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười (nằm trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp) vui mừng với vụ Thu Đông vì giá lúa rất cao, thương lái thu mua nhanh gọn.
Ông Bùi Văn Tuệ, 65 tuổi, ở xã Bình Hoà Đông (huyện Mộc Hoá, Long An) cho biết do năm nay lũ về muộn nên nhiều nông dân ở đây gieo trồng sớm. “Hiện giờ đang là cuối vụ Thu Đông, thu hoạch xong đợt này là qua tuần làm đất, chuẩn bị cho vụ Đông Xuân luôn. Giờ giá lúa cao mà lại dễ bán, từ đầu tháng thương lái bên Kiến Tường đã gọi điện xem ruộng, đặt cọc tiền. Do khu vực này ở ngoài sông Vàm Cỏ Tây nên giá lúa thấp hơn bên kia (sát quốc lộ 62), thương lái mua của tôi chỉ có 8.600 đồng/kg thôi, nhiều nơi nông dân bán được giá trên 9.000 đồng. Nhưng bán giá đó cũng lời rồi bởi mấy vụ trước, giá lúa chỉ ở mức sáu, bảy ngàn đồng. Từ giữa năm nay giá mới lên cao như vậy”, ông Tuệ cho biết.
Theo tính toán của ông Tuệ, với mức giá bán như hiện nay, ông thu lãi khoảng 20 triệu đồng mỗi héc ta lúa bởi chi phí sản xuất lúa thành phẩm dao động ở mức 3.300 đồng tới 3.500 đồng/kg lúa. Đặc biệt, trong 3 vụ lúa mỗi năm ở vùng Đồng Tháp Mười thì vụ Thu Đông có năng suất thấp nhất do phụ thuộc nhiều vào mùa lũ (nước nổi) nên nhiều nông dân trông chờ vào vụ Đông Xuân sắp tới, cũng là vụ lúa có năng suất cao nhất trong năm vì nhiều yếu tố.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay đang là thời điểm cuối vụ thu hoạch nhưng vẫn có khá nhiều ruộng lúa chưa gặt, bên cạnh một số cánh đồng đã bắt đầu gieo vụ mới. Do thời tiết khí hậu thuận lợi, nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm gieo 3 vụ lúa, khoảng cách giữa các vụ không có mốc thời gian chính xác. Vì thế, cùng một khu vực nhưng có thể có cánh đồng đang thu hoạch, có cánh đồng lúa mới lên đòng hay thậm chí vừa gieo trồng.
Cách đó hơn 50km, nhiều nông dân ở xã Láng Biển (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) đang theo dõi máy gặt lúa trên những cánh đồng có diện tích lớn. Hiện nay, máy móc thu hoạch lúa kèm theo việc sơ chế, đóng bao, cuộn rơm. Nông dân chỉ việc vác các bao lúa từ dưới ruộng lên bờ để xe tải tới chở đi. Một số cánh đồng nằm sâu phía trong không có đường bộ hoặc xe tải không tới được thì nông dân sẽ vận chuyển lúa bằng ghe, thuyền. So với đường bộ, vận chuyển lúa bằng ghe thuyền ở vùng Đồng Tháp Mười vẫn khá phổ biến.
Anh Nguyễn Văn Tâm - nông dân ở Láng Biển cho biết, dù năng suất lúa không cao nhưng với mức giá gần 9.000 đồng/kg thì nông dân có thể lãi khoảng 22 tới 25 triệu đồng. “Nhà tôi đợt này có hơn 2 héc ta lúa nên trừ chi phí cũng dư ra được chừng 50 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn. Mấy năm trước trồng lúa lãi ít lắm, mỗi vụ dư được chục triệu đồng thôi. Hy vọng thời gian tới lúa tiếp tục có giá cao như hiện nay. Giờ nông dân lo nhất giá khi thu hoạch thôi chứ kỹ thuật canh tác, thời tiết hay sâu bệnh gần như không lo lắng gì vì có thể xử lý dễ dàng” - anh Tâm chia sẻ.
Cũng theo anh Tâm, ngoài vụ lúa cuối năm thì từ vụ Hè Thu, nhiều nông dân ở khu vực rất vui mừng vì giá lúa thời điểm đó khá cao. “Hiếm có năm nào giá lúa cao từ vụ trước kéo dài sang vụ sau. Tôi dự đoán còn cao ở mức này sang năm tiếp theo nữa. Đây là mức giá rất tốt với nông dân, chứ cách đây vài năm, lúc dịch bệnh thì giá có khi chỉ 4.000 đồng/kg mà gọi điện thoại hoài thương lái cũng không mua” - anh Tâm kể thêm. Nông dân sau khi thu hoạch lúa còn kiếm được 5-6 triệu đồng mỗi héc ta nhờ bán rơm.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp cho thấy 2 địa phương có diện tích lúa tương đương nhau. Mỗi tỉnh một năm gieo trồng hơn 500.000 héc ta lúa (tổng 3 vụ). Đây cũng là hai địa phương có diện tích lúa lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.