Xã hội

Nông dân lao đao vì hạn mặn

NGUYÊN DU 29/02/2024 07:06

Những ngày qua, nông dân Cà Mau, Sóc Trăng lao đao vì hạn mặn. Hạn mặn không chỉ gây sụt lún, sạt lở đất khiến việc sinh hoạt, sản xuất gặp khó khăn mà còn khiến chi phí thu hoạch lúa tại một số địa phương đội lên vì việc vận chuyển đường thủy gần như tê liệt.

anh-bai-tren.jpg
Nông dân tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) phải thuê xe máy chở lúa ra điểm tập kết. Ảnh: Nguyên Du.

Vận chuyển nông sản khó khăn

Hiện vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đang vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân với tổng diện tích hơn 29.000ha. Tuy nhiên, hạn mặn gay gắt làm các tuyến sông, kênh trên địa bàn khô cạn, việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn.

Bà Trần Thị Cẩm ở xã Khánh Bình Tây Bắc vừa cắt hơn 2ha lúa ST24 thu được 23 tấn, bán với giá 8.000 đồng/kg. Mức giá này giảm hơn 2.000 đồng so với trước Tết và giảm gần 1.000 đồng so tuần trước. Vụ lúa này gia đình bà chỉ lãi khoảng 40 triệu đồng/ha, mất khoảng 20 triệu đồng do khó vận chuyển.

Nguyên nhân chính là kênh, rạch cạn nước, ghe của thương lái không thể vào tận nơi để thu mua, lúa được chuyển ra đường lớn bằng xe máy. Chi phí mỗi tấn lúa tăng thêm từ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng nên thương lái hạ giá thu mua.

Khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm, nông dân vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời sẽ bắt đầu gieo sạ và thu hoạch lúa vào tháng 1 để tránh hạn. Tuy nhiên, năm nay mưa kết thúc sớm nên giữa tháng Chạp các tuyến kênh đã bắt đầu cạn nước. Lúc này lúa được hơn 40 ngày tuổi, trong ruộng vẫn còn nước nhưng một số diện tích không đáp ứng sẽ bị ảnh hưởng năng suất. Nước cạn sớm và bị phèn khiến hạt lúa không chắc hạt, khi thu hoạch giảm 100 - 200kg mỗi công (gần 1.300m2).

Ông Nguyễn Văn Cẩn, ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời vừa thu hoạch hơn 1ha lúa, thu về gần 15 tấn. Ông Cẩn cho biết, mới 3 hôm trước thương lái chào mua lúa ST24 với giá 9.100 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 8.000 đồng/kg.

“Ngoài tình trạng giá lúa giảm do không có đường vận chuyển, việc thu hoạch cũng gặp khó khăn khi máy cắt không vào ruộng được. Kênh cạn nước nên thương lái phải cho phương tiện đi đường vòng. Lúa chín lâu ngày khiến mỗi công sau thu hoạch mất vài trăm kg” - ông Cẩn nói.

Ông Phạm Thành Được - Chủ tịch UBND xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) cho biết, trên địa bàn xã có 177 điểm sụt lún, sạt lở, khiến cho việc thu hoạch, vận chuyển lúa của bà con gặp nhiều khó khăn, các thương lái thu mua lúa phải vận chuyển bằng xe máy đến nơi tập kết.

"Những hộ nào chuẩn bị cắt lúa mà chưa có đường vận chuyển đi bán, địa phương vận động bà con cắt lúa đưa vào nhà phơi khô. Mong thời gian tới, các ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục sụt lún, sạt lở để người dân đi lại an toàn hơn" - ông Được chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống thủy lợi cạn nước do mùa mưa kết thúc sớm, trong khi nhiều người tập trung bơm tát nước vào đồng ruộng, ao hồ để phục vụ sản xuất lúa và dự trữ để nuôi cá, trồng hoa màu, khiến cho nhiều tuyến đường giao thông trong vùng bị sụt lún.

Thống kê từ UBND huyện Trần Văn Thời, trên địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn. Đồng thời đã xảy ra hơn 330 điểm sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài khoảng 9.000m, ước thiệt hại gần 12 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, bảo vệ các công trình, hạ tầng giao thông. Huyện khuyến cáo người dân cắt tỉa cây xanh để hạ tải ở các tuyến thường xuyên sạt lở, hạn chế trữ nước khi chưa cần thiết; không nạo vét đất, xây nhà cạnh mé sông, kênh rạch làm tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở.

Sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả

Nếu như tại Cà Mau hạn mặn gây sụt lún, sạt lở đất khiến cho giao thông tê liệt, vận chuyển nông sản của nông dân đang gặp nhiều khó khăn thì tại tỉnh Sóc Trăng, tình hình nước mặn xâm nhập cũng đang diễn biến phức tạp.

Từ đầu tháng 2/2024, nồng độ mặn theo sông Hậu xâm nhập gần 50km, đe dọa tình hình sản xuất ở một số vùng chuyên trồng cây ăn trái tại các huyện như Long Phú, Cù lao Dung và Kế Sách. Trong đó, huyện Long Phú, địa phương nằm ven sông Hậu trực tiếp chịu ảnh hưởng khá nặng nề.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, trong những ngày tới, tình hình mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Độ mặn ở các điểm đo ở ven sông Hậu, sông Mỹ Thanh có thể sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 từ 0,1 - 5‰.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng có thông báo khẩn gửi các ngành chức năng, chính quyền địa phương chủ động ứng phó với nước mặn xâm nhập đang diễn biến phức tạp.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay độ mặn đang ở mức cao. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, Sở đề nghị các địa phương chủ động tăng cường công tác thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ứng phó kịp thời sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương.

Chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới trong sản xuất nông nghiệp. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra xâm nhập mặn. Ngành chức năng vận hành hợp lý công trình thủy lợi, đồng thời khuyến cáo người dân tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trạng thái El Nino năm nay sẽ lặp lại và khả năng kéo dài đến hết quý I. Do ảnh hưởng bởi El Nino, trong các tháng mùa khô ít xảy ra mưa trái mùa, hạn hán tại nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo gay gắt hơn mọi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân lao đao vì hạn mặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO